“Việt Nam kiên định không công nhận hoạt động mại dâm là hợp pháp”

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, tuy nhiên con số thực tế còn cao hơn nhiều do hoạt động mại dâm khó kiểm soát bởi tính phức tạp và trá hình.
Giải cứu 23 nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài làm thuê và hoạt động mại dâm. (Ảnh: TTXVN)

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, tính đến hết tháng 11, hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, tuy nhiên con số thực tế có lẽ còn cao hơn nhiều do hoạt động mại dâm khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó. Đồng bằng sông Hồng (3.673 người) và Đông Nam Bộ (3.200 người) là hai khu vực có số người bán dâm cao nhất cả nước.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (2003-2013) do Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 19/12, tại Hà Nội.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Việt Nam đã kiên định quan điểm không công nhận hoạt động mại dâm là hợp pháp. Các hoạt động phòng chống mại dâm phải có tính chất xã hội và giảm thiểu tác hại trên tinh thần bảo vệ quyền con người, tôn trọng tối đa nhân phẩm.”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, sau 10 năm thực hiện có một số quy định về phòng, chống mại dâm không còn phù hợp với tinh thần Hiến pháp mới và thiếu một số quy định mới theo sát thực tiễn. Vì vậy, Chính phủ sẽ bàn và trình Quốc hội Luật Phòng, chống mại dâm để đồng bộ Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm với các luật khác, đảm bảo tôn trọng quyền con người. Trong quá trình sửa luật sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành, nhất là Luật Xử lý vi phạm hành chính mới.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện pháp lệnh cho thấy, thực tế đã xuất hiện những đối tượng và hình thức mại dâm mới như: gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, facebook… Tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng, đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau…

Tại hội nghị, một số tỉnh, thành phố được coi là điểm nóng về hoạt động mại dâm như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa… đã đưa một số bất cập từ khi thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính không đưa các đối tượng hoạt động mại dâm vào cơ sở chữa bệnh hoặc chịu sự quản lý của địa phương nên các đối tượng ngang nhiên lách luật và thường xuyên vi phạm.

Đại diện các các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa ra kiến nghị sửa đổi Pháp lệnh Phòng chống mại dâm cần bổ sung các quy định xử lý mại dâm nam, mại dâm đồng giới, khiêu dâm kích dục... Đặc biệt, các địa phương cho rằng cần ban hành chính sách hỗ trợ người bán dâm hoàn lương, tiếp cận nguồn trợ giúp xã hội, trợ vốn tạo việc làm giúp họ hoàn lương, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục