Chiều 5/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo Ngân hàng Credit Suisse và một số doanh nghiệp Thụy Sĩ, do ông Andreas Gerber, Giám đốc điều hành kiêm Lãnh đạo toàn cầu khối các doanh nghiệp dẫn đầu sang thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam.
Cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian đón tiếp, ông Andreas Gerber cho biết đây là lần thứ 5 đoàn đến tìm hiểu cơ hội làm ăn tại Việt Nam, tập trung vào khu vực phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình.
Sau những chuyến đi đều có doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và trong chuyến đi này, một doanh nghiệp đã quyết định đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Đây là đoàn có số doanh nghiệp lớn nhất, đa dạng nhất, hoạt động trên nhiều lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tốt nhất của Thụy Sĩ như sản xuất thủy tinh, công nghệ nano, công nghệ y học kết hợp với trí tuệ nhân tạo, sản xuất phần mềm ứng dụng, dịch vụ truyền thông, ngân hàng, xây dựng cơ sở hạ tầng chung và hạ tầng chuyên biệt như trường học, cơ sở y tế...
Đoàn mong muốn mang những công nghệ tiên tiến của Thụy Sĩ chuyển giao cho Việt Nam.
Cho rằng những lĩnh vực mà Thụy Sĩ có thế mạnh cũng là lĩnh vực Việt Nam cần thu hút đầu tư, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh cơ hội đầu tư tại Việt Nam rất nhiều. Hiện Thụy Sĩ mới đứng hàng 18/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Đánh giá cao hoạt động của đoàn ở một số địa phương, Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam chủ trương tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, luôn coi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) là bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam.
Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài phát triển. Với chính sách thông thoáng, năm 2017, Việt Nam thu hút được lượng vốn FDI kỷ lục, gần 36 tỷ USD.
Năm 2018, tình hình kinh tế thế giới có biến động, căng thẳng về thương mại giữa các nền kinh tế lớn, lãi suất, tỷ giá trên thị trường cũng có biến động nhưng 10 tháng qua, thu hút FDI của Việt Nam đã đạt trên 28 tỷ USD và dự kiến cả năm 2018 sẽ đạt con số tương đương năm 2017.
Theo Phó Thủ tướng, để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, chính sách thu hút FDI của Việt Nam đã chuyển hướng từ số lượng sang chọn lọc các dự án có chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Không chỉ thu hút dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam coi trọng cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ công nghệ cao.
Thông tin về 9 lĩnh vực Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên thu hút đầu tư, Phó Thủ tướng cho biết đó là các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công-tư (gồm cả hạ tầng giao thông, các hạ tầng kinh tế-xã hội như y tế, giáo dục); công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ cao (như điện, chất bán dẫn, cơ khí ôtô, hóa chất, dược…); nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; logistics (phục vụ cho cả sản xuất và phân phối); công nghệ thông tin (IT), công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); năng lượng, đặc biệt năng lượng tái tạo.
[10 tháng năm 2018, Việt Nam thu hút gần 28 tỷ USD vốn FDI]
Chính phủ Việt Nam cũng dành ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, khuyến khích hoạt động mua sắm và sáp nhập trong lĩnh vực này để hình thành công nghệ tài chính (fintech) và ngân hàng số thời gian tới; khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào quá trình cổ phần hóa và trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp nhà nước; đầu tư mạo hiểm, tham gia phát triển các start-up.
Nhấn mạnh phần lớn doanh nghiệp của Thụy Sĩ có trình độ khoa học công nghệ cao, có kinh nghiệm trong lĩnh vực cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ mong muốn và khuyến khích nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam./.