Từ ngày 5-9/6, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Phiên họp lần thứ 4 của Nhóm công tác về xây dựng khuôn khổ toàn cầu về quản lý đạn dược (Nhóm công tác) đã diễn ra với sự tham gia của đại diện 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế liên quan.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phiên họp lần này nhằm tiếp tục xây dựng và thông qua các cam kết chính trị nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trong quản lý đạn dược, đảm bảo an ninh, an toàn và quản lý đạn dược bền vững ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Phát biểu tại phiên họp, nhiều quốc gia cho rằng việc quản lý đạn thông thường không hiệu quả đã làm tăng nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và phát triển bền vững trên toàn cầu.
Việc sử dụng đạn dược sai mục đích của các thành phần phi nhà nước như các nhóm tội phạm có tổ chức và những kẻ khủng bố đã phần nào khiến xung đột và bạo lực vũ trang một số nơi trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, nhiều nước đã và đang phải hứng chịu các vụ nổ đạn dược ngoài ý muốn, gây thiệt hại về sinh mạng, phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong bối cảnh đó, các nước đều nhấn mạnh sự cần thiết phải có một khuôn khổ toàn cầu để quản lý đạn dược một cách an toàn và hiệu quả.
[Nghị sỹ EU thúc đẩy triển khai dự luật hỗ trợ sản xuất đạn dược]
Tham dự phiên họp, Tham tán công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về những nguy cơ và thách thức của tình trạng mua bán trái phép, chuyển giao, sử dụng sai mục đích và quản lý không hiệu quả đạn dược.
Để khuôn khổ toàn cầu đạt hiệu quả, đại diện Việt Nam nhấn mạnh bất kỳ khuôn khổ nào về quản lý đạn dược thông thường phải phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc cũng như đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia trong việc sản xuất, sở hữu, mua và chuyển giao vũ khí và đạn dược vì mục đích quốc phòng và an ninh.
Khuôn khổ chỉ nên mang tính tự nguyện, không ràng buộc, tính đến mức độ phát triển và luật pháp quốc gia, không tạo thêm gánh nặng cho các nước đang phát triển. Đồng thời, khuôn khổ cũng cần tận dụng các cơ chế hiện có liên quan đến đạn dược như Chương trình Hành động về Vũ khí nhỏ và vũ khí nhẹ, Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm xuyên quốc gia, cũng như nỗ lực của các quốc gia trong vấn đề này.
Trong quá trình này, sự hỗ trợ và hợp tác với các nước đang phát triển trong xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo quản lý đạn dược một cách an toàn.
Nhóm công tác mở được thành lập theo Nghị quyết số 76/233 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc với nhiệm vụ đưa ra một bộ cam kết chính trị được xem là Khung toàn cầu mới về vấn đề quản lý đạn dược lâu dài trên cơ sở xem xét các khuyến nghị của Nhóm chuyên gia của chính phủ (được thành lập theo Nghị quyết 72/55 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc), quan điểm của các nước và một loạt các tham vấn không chính thức của Đức (Chủ tịch Nhóm công tác mở) về tiến trình tham vấn, cũng như các đóng góp nhận được từ các nước thành viên về vấn đề này./.