Việt Nam không thể tách khỏi “ranh giới rỗng,” xu thế mới toàn cầu

"Những biến đổi về môi trường, kinh tế, xã hội đang đẩy thế giới đi tới một tương lai rất khác. Xu thế này không có gì xấu mà nó mở ra cơ hội cùng với thách thức."
Việt Nam không thể tách khỏi “ranh giới rỗng,” xu thế mới toàn cầu ảnh 1Tiến sỹ Stefan Hajkowicz trình bày tại Hội thảo “Xu thế toàn cầu và các tác động tới Việt Nam,” ngày 18/8. (Ảnh: TTXVN)

“Những biến đổi về môi trường, kinh tế, xã hội đang đẩy thế giới đi tới một tương lai rất khác. Xu thế này không có gì xấu mà nó mở ra cơ hội cùng với thách thức. Làn sóng mới thay đổi theo thời gian và từ một sự kiện biến động nhất thời ở một thời điểm nào đó mà có thể dẫn dắt tương lai cụ thể.”

Tiến sỹ Stefan Hajkowicz, nhà nghiên cứu về chiến lược và tầm nhìn, Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học của Khối thịnh vượng chung (CSIRO) chỉ ra thế giới tương lai trong cuộc Hội thảo “Xu thế toàn cầu và các tác động tới Việt Nam,” ngày 18/8, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Minh họa từ biến động khó lường của giá dầu, giá lượng thực tăng cao với sự mất cân đối giữa khả năng cung-cầu về lương thực, tình trạng khan hiếm nước sạch, sự nóng lên của trái đất…, một hệ sinh thái thay đổi dẫn tới những vi sinh vật cũng biến đổi, hệ quả là sức khỏe con người bị đe dọa từ các tình trạng kháng thuốc… Tiến sỹ Stefan cho rằng những điều này sẽ khiến tất cả mọi người có xu hướng thay đổi để thích ứng với những biến đổi trên.

Thêm vào đó, sự trỗi dậy từ khu vực kinh tế châu Á, nổi lên với sự phát triển lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc cùng với gia tăng của tỷ lệ dân số về hưu trên toàn cầu, hay quyền năng của công nghệ số với khiến tình trạng phụ thuộc ngày càng gia tăng (thế giới ảo phát triển kéo theo đó những tương tác vắng bóng con người).

“Ranh giới rỗng” một khái niệm mới được tiến sỹ Stefan chia sẻ. Ông cũng cho rằng, “những biến đổi trong kết nối tạo ra các xu hướng hợp tác xuyên biên giới. Hợp tác-liên kết sẽ là nền tảng cho tương lai của mười năm tới.”

Toàn cầu đang dần thay đổi và các mô hình kinh doanh bán hàng hóa-sản phẩm thậm chí sẽ chuyển sang bán cả những sự trải nghiệm từ quá trình sản xuất. Theo ông Stefan, với những đổi mới đó “thời điểm này voi cũng sẽ phải học nhảy,” mỗi quốc gia sẽ phải thay đổi cơ cấu để có thể thích ứng với xu thế biến đổi của tương lai.

“Thế giới thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Bên cạnh những cơ hội tiếp cận những vị thế mới, Việt Nam cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội và bảo vệ động lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ,” ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh.

Cụ thể những thách thức chiến lược được ông Vịnh thẳng thắn chỉ ra, Việt Nam đang có khoảng cách khá xa, ở phía sau nhiều nước trong khu vực, từ thu nhập bình quân đầu người, trì trệ về năng suất lao động, đô thị hóa phát triển kém hiệu quả, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững với môi trường, sự bất bình đẳng về cơ hội trong dân chúng (đặc biệt là người dân tộc thiểu số), các tầng lớp trung lưu đang nổi lên, dân số bắt đầu già hóa. Thêm vào đó, thể chế đang là một rào cản của quá trình phát triển.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đặng Huy Đông ghi nhận, thế giới hội nhập, các nền kinh tế trở nên gắn kết và ngày càng phụ thuộc vào nhau nhiều hơn. Sự phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế lớn có ảnh hưởng không nhỏ đến sự lựa chọn, phát triển của các quốc gia khác. Những nghiên cứu nhận biết vấn đề toàn cầu và đặc biệt các xu thế lớn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lựa chọn, xây dựng cũng như tổ chức những chính sách phát triển.”

“Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đồng thời cũng phải đương đầu với với nhiều biến động của kinh tế-chính trị thế giới trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế của mình. Việc nghiên cứu tình hình bối cảnh quốc tế, các xu hướng quốc tế là việc làm cần được tiến hành liên tục với nhiều góc nhìn khác nhau là cần thiết,” Thứ trưởng nói./.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục