Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngành Hàng không dân dụng Việt Nam (15/1/1956-15/1/2016), Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đã chia sẻ với phóng viên TTXVN những dấu mốc quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử và những triển vọng của ngành trong thời gian sắp tới.
- Thưa Cục trưởng, sau 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay ngành Hàng không dân dụng Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật nào?
Ông Lại Xuân Thanh: 60 năm qua, Hàng không Việt Nam đã phát triển vượt bậc trên cả ba lĩnh vực: hệ thống cảng hàng không, xử lý điều hành bay và hệ thống vận tải hàng không.
Về hệ thống cảng hàng không sân bay, so với thời điểm khoảng 15 năm trước đây các sân bay của Việt Nam đã có sự “thay da đổi thịt” hết sức mạnh mẽ.
Cụ thể nếu năm 2000, năng lực thiết kế của các cảng hàng không Việt Nam chỉ vào khoảng 6 triệu lượt hành khách thì đến hết năm 2015, con số này đã tăng lên xấp xỉ 68 triệu hành khách.
Theo kế hoạch, sang 2016, năng lực tiếp nhận của hệ thống các cảng hàng không sẽ tiếp tục tăng sau khi một số hạng mục xây mới và nâng cấp được hoàn thành.
Chúng ta có thể tự hào có một hệ thống các sân bay hiện đại, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, tiếp thu được nhiều loại tàu bay khác nhau, bao gồm cả tàu bay cỡ lớn của thế giới trừ máy bay A380. Hệ thống nhà ga được xây mới hiện đại, như nhà ga T2 Nội bài, nhà ga T2 Tân Sơn Nhất, nhà ga Liên Khương (Buôn Mê Thuột).
Hệ thống quản lý bay trong nhiều năm qua cũng đã có những bước thay đổi cả về chất và lượng. Hiện nay, Việt Nam quản lý điều hành hai vùng thông báo bay (FIR) Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, với khoảng 35 đường bay và hệ thống đài trạm được đầu tư hết hiện đại, tiên tiến của khu vực.
Điển hình là hai hệ thống Khu trung tâm kiểm soát đường dài (ACC) Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, hệ thống đài chỉ huy, trạm rada tại các sân bay cũng được xây mới hiện đại ngang với các nước trong khu vực.
Một điểm đặc biệt nữa đó là, chúng ta đang song hành và không bị tụt hậu so với kế hoạch không vận của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO).
Vận tải hàng không Việt Nam cũng đã có tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua. Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) hiện có đội tàu bay gồm 125 máy bay thế hệ mới của thế giới.
Riêng năm 2015, Vietnam Airlines đã đưa vào khai thác cũng một lúc hai tàu bay Boeing 787 và Airbus 350, hiện đại nhất thế giới mà chưa hãng hàng không nào của thế giới cùng thực hiện.
Năm ngoái, sản lượng vận tải hàng không Việt Nam đã lên tới hơn 62 triệu hành khách, tăng gần 24 lần so với năm 2014. Sản lượng điều hành bay đạt 640 nghìn chuyến, tăng 17,4% so với năm 2014. Đây hoàn toàn là những con số rất ấn tượng.
Đặc biệt, thực hiện đúng chính sách mở rộng các thành phần kinh tế của Nhà nước, nhiều hãng hàng không tư nhân đã ra đời tạo ra sự cạnh tranh hết sức gay gắt. Điều này đã trở thành yếu tố làm giảm giá vé máy bay đối với thị trường nội địa, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
- Vậy đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hàng không?
Ông Lại Xuân Thanh: Theo yêu cầu trong công tác quản lý hành chính của Việt Nam và cũng là thực hiện đúng các quy định của ICAO, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã luật hóa vị trí vai trò của nhà chức trách hàng không thông qua Luật sửa đổi 2014, khẳng định vai trò quản lý Nhà nước của ngành Hàng không Việt Nam.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 66/2015/NĐ-CP, tuân thủ đúng quy định mà ICAO đã đề ra, khẳng định việc tuân thủ các luật lệ quốc tế về yêu cầu giám sát của nhà chức trách hàng không.
Chúng ta vẫn tiếp tục nâng cao năng lực, thực hiện hiệu quả công tác quản lý của Cục Hàng không Việt Nam; đồng thời, quyết liệt thực hiện đề án Nâng cao năng lực hiệu quả quản lý Nhà nước của nhà chức trách hàng không, phù hợp yêu cầu mà ngành hàng không quốc tế đã đặt ra.
- Ngành hàng không Việt Nam trong thời gian vừa qua đã tăng trưởng rất “nóng,” tạo ra một số hạn chế như tình trạng quá tải, chậm chuyến…. Làm thế nào để chúng ta có thể loại bỏ được những vướng mắc này, thưa ông?
Ông Lại Xuân Thanh: Việt Nam đang đứng thứ 7 thế giới và thứ 3 của khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng hàng không.
Chính tốc độ tăng trưởng “nóng” trong thời gian vừa qua đã dẫn đến tình trạng quá tải tại một số sân bay, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện chiếm 52% tổng số hoạt động của ngành hàng không dân dụng Việt Nam.
Tình trạng quá tải của Tân Sơn Nhất đã dẫn đến sự tắc nghẽn cả trên trời, tại khu bay và thậm chí cả khu vực bên ngoài đường giao thông tiếp cận. Nó làm suy giảm chất lượng dịch vụ hàng không và gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không.
Đây là một vấn đề lớn mà Nhà nước, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Cục hàng không Việt Nam phải tìm hướng khắc phục. Tin vui lớn nhất đó là vừa qua, Quốc hội đã thông qua chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đem lại giải pháp tháo gỡ triệt để tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, cũng như đảm bảo thực hiện chiến lược phát triển ngành hàng không Việt Nam trong tương lai.
Trong thời gian chờ dự án Long Thành được thực hiện, Bộ Giao thông vận tải cũng đã xem xét tới phương án cải tạo và mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng ta đã có dự án mở rộng 7,63 ha cho khu bay và đặc biệt là sân đỗ.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng đã đồng ý về mặt chủ trương, tiếp tục giao 22ha khu dịch vụ bay quân sự cho hàng không dân dụng Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất để mở rộng khu sân đỗ, đường lăn (đường thoát từ khu cất cánh đến khu đỗ tàu bay), giải tỏa một phần tắc nghẽn tại khu bay, giải quyết được nhu cầu bến đỗ tàu bay qua đêm của các hãng hàng không.
Đối với khu vực đường giao thông tiếp cận của sân bay Tân Sơn Nhất, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có một số dự án làm đường, cầu vượt… để giảm tải sự ách tắc cho giao thông.
Chúng tôi hy vọng nếu thực hiện thành công dự án triển khai 22 ha khu đỗ và giải tỏa khu vực xung quanh sân bay, năng lực khai thác của Tân Sơn Nhất sẽ tăng lên được khoảng 41 triệu hành khách. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với tốc độ phát triển của hàng không Việt Nam trong tương lai.
- Xin ông cho biết triển vọng phát triển của ngành hàng không Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Lại Xuân Thanh: Về kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tập trung vào việc triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng khu bay tại sân bay Tân Sơn Nhất và hoàn thành kế hoạch mở rộng Sân ga Quốc tế Đà Nẵng để phục vụ cho hội nghị thượng đỉnh APEC vào năm 2017.
Trong những năm tới, chúng tôi cũng sẽ khẩn trương hoàn thành việc đầu tư xây dựng và nâng cấp các nhà ga mới, như nhà ga Thọ Xuân, khu hàng không dân dụng mới thuộc sân bay Cát Bi, công trình đường cất hạ cánh số 2 và dự án nhà ga hành khách mời tại sân bay Cam Ranh…
Để thực hiện các kế hoạch này, theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa, thu hút nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư và giảm tải ngân sách quốc gia.
Về quản lý hoạt động bay, chúng ta tiếp tục thực hiện theo đúng kế hoạch không vận đã đề ra. Một trong những chỉ đạo của Nhà nước đó là ngành hàng không Việt Nam không được để tụt hậu về mặt năng lực, công nghệ đối với hệ thống quản lý hoạt động bay, chuyển sang một thế hệ điều hành bay mới. Đây cũng là công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi mức đầu tư lớn.
Đối với lĩnh vực vận tải hàng không, thực hiện đúng các cam kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) về việc thiết lập một bầu trời ASEAN thống nhất, ngành hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo hướng tự do hóa bầu trời, khuyến khích các hãng hàng không nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam, đẩy mạnh năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không nội địa qua đó tận dụng những cơ hội mà AEC mang lại.
- Xin cám ơn ông!