Việt Nam khẳng định vị trí ‘cầu nối’ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á

Việt Nam và Trung Quốc đang thúc đẩy kết thúc đàm phán Kế hoạch kết nối giữa khuôn khổ hai hành lang, một vành đai với sáng kiến Vành đai và con đường.
Hội nghị cấp cao Vành đai và con đường lần thứ 8 với chủ đề “Kỷ niệm 10 năm sáng kiến Vành đai và con đường,” tại Hongkong, Trung Quốc. (Ảnh: MPI/Vietnam+)
Hội nghị cấp cao Vành đai và con đường lần thứ 8 với chủ đề “Kỷ niệm 10 năm sáng kiến Vành đai và con đường,” tại Hongkong, Trung Quốc. (Ảnh: MPI/Vietnam+)

Nhấn mạnh “Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) là chất xúc tác cho hợp tác và phát triển khu vực,” Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng Việt Nam có vị trí “cầu nối” giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Vì vậy, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc trong khung khổ BRI có ý nghĩa thúc đẩy hợp tác, kết nối khu vực.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất

Trong các ngày 13 và 14/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự Hội nghị cấp cao Vành đai và con đường lần thứ 8 với chủ đề “Kỷ niệm 10 năm sáng kiến Vành đai và con đường,” tại Hong Kong (Trung Quốc). 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đang thúc đẩy kết thúc đàm phán kế hoạch kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai với sáng kiến Vành đai và con đường.

[Các nước đối tác đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác với ASEAN]

Trong bối cảnh quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được cải thiện, kết nối kinh tế đã diễn ra mạnh mẽ. Tính đến tháng 8/2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã có gần 4.000 dự án ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 26 tỷ USD, đứng thứ 6/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Tính chung trong 8 tháng, Trung Quốc đã vươn lên là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký mới gần 2,7 tỷ USD. Về thương mại, Trung Quốc luôn là đối tác lớn nhất, thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Việt Nam khẳng định vị trí ‘cầu nối’ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Trưởng Đặc khu hành chính Hongkong Lý Gia Siêu. (Ảnh: MPI/Vietnam+)

Tại phiên thảo luận chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ về tình hình và kinh nghiệm phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả ba “khâu đột phá” chiến lược về cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Việt Nam đang chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực con người; tích cực thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045,” bình đẳng, chân thành, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tăng cường kết nối chính sách

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao vai trò của Hong Kong trong việc là cầu nối Khu vực Vịnh lớn (gồm Hongkong, Thâm Quyến, Quảng Châu) với Việt Nam và các nước Đông Nam Á, nhất là trong các lĩnh vực phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, hợp tác đầu tư, tài chính, thương mại, logistics và vận tải.

Để Sáng kiến Vành đai và con đường tiếp tục là “chất xúc tác cho hợp tác và phát triển khu vực,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất một số kiến nghị, như Việt Nam-Trung Quốc và các nước trong khu vực cần tăng cường kết nối chính sách, tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm phát triển. Các quốc gia trong khu vực cùng đẩy nhanh phát triển, kết nối mạng lưới giao thông, nhất là mạng lưới đường sắt; thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, mở cửa cho hàng hóa, nông sản của các nước vào thị trường của nhau…

Việt Nam khẳng định vị trí ‘cầu nối’ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Kinh tế UAE. (Ảnh: MPI/Vietnam+)

Trao đổi ý kiến với đại diện các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giới thiệu tình hình kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam đang hội tụ đủ các yếu tố về chính trị ổn định, thị trường rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào…, đáng để các nhà đầu tư quan tâm. Theo đó, ông mong muốn các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam cùng chia sẻ tầm nhìn, gắn kết với doanh nghiệp trong nước để cùng vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tham dự hội nghị, các doanh nghiệp Hong Kong cũng bày tỏ sự quan tâm về đầu tư và hỗ trợ Việt Nam phát triển trong các lĩnh vực tài chính, thương mại, đổi mới sáng tạo, bất động sản, sửa chữa và bảo dưỡng máy bay… và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân Việt Nam nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và xuất khẩu nông sản.

Hợp tác trong bối cảnh mới

Hợp tác Vành đai và con đường giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khu vực đang được tiếp tục triển khai trong bối cảnh mới. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra một số nét đáng chú ý. Trong đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 và các xu hướng phát triển lớn như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này dẫn đến việc tái sắp xếp chuỗi cung ứng ở khu vực và toàn cầu, tạo cơ hội gia tăng hợp tác giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Theo đó, kết nối kinh tế sẽ bao gồm cả kết nội thể chế, hạ tầng và con người là trọng tâm. Đây cũng là xu hướng lớn của các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

[Việt Nam-Trung Quốc: Hữu nghị, hợp tác là dòng chảy chính]

Trong bối cảnh trên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã đề xuất một số kiến nghị.

Một là, Việt Nam, Trung Quốc và các nước trong khu vực cần tăng cường kết nối chính sách, tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm phát triển về kinh tế số, kinh tế xanh, các mô hình phát triển mới như: cảng tự do thương mại quốc tế, cửa khẩu thông minh, khu hợp tác kinh tế qua biên giới...

Hai là, đẩy nhanh tiến độ hợp tác phát triển, kết nối mạng lưới giao thông giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước Đông Nam Á, nhất là mạng lưới đường sắt. Đồng thời, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, mở cửa cho hàng hóa, nông sản của các nước vào thị trường của nhau.

Ba là để hợp tác BRI tiếp tục phát triển đem lại những kết quả thực chất, bền vững, chúng ta cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” bình đẳng, chân thành, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế. Đây là trách nhiệm của mỗi quốc gia và là nền tảng để bảo đảm môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho các nước trong khu vực cùng hợp tác, phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục