Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai tại Hà Nội, phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc đã phỏng vấn Giáo sư-Tiến sỹ quan hệ quốc tế Lee Woong-Hyeon, Chủ tịch Viện Nghiên cứu địa chính trị Hàn Quốc, giảng viên Đại học Hàn Quốc về kết quả của hội nghị, triển vọng đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên trong thời gian tới cũng như công tác tổ chức, vị thế của Việt Nam sau sự kiện lớn này.
Về công tác tổ chức của Việt Nam, Giáo sư Lee Woong-Hyeon nhận định Chính phủ Việt Nam cho thấy khả năng lớn trong việc tổ chức một sự kiện lịch sử. Không có bất kỳ sự cố nào gây ảnh hưởng đến hội nghị thượng đỉnh. Người dân Việt Nam đã thể hiện sự chào đón nồng nhiệt và thân thiện đối với nhà lãnh đạo của cả hai nước. Không có sai sót ngoại giao hay lỗi về nghi thức trong suốt hai ngày diễn ra sự kiện.
Là một trong những đối tác thương mại lớn của Mỹ, Việt Nam đã chào đón Tổng thống Mỹ nồng nhiệt, gác lại quá khứ chiến tranh giữa hai nước. Và với hội nghị thượng đỉnh, tất cả thế giới đều nhớ rằng Triều Tiên và Việt Nam đã và vẫn là những người bạn của nhau. Theo Giáo sư Lee Woong-Hyeon, là một quốc gia trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam cho thế giới thấy vị thế của một cường quốc tham gia ngoại giao thế giới.
Với kinh nghiệm tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh lịch sử này, ông Lee Woong-Hyeon tin rằng Việt Nam đã trở thành một cường quốc ngoại giao mạnh mẽ trên thế giới. Trong suốt quá trình chuẩn bị hội nghị, người dân Việt Nam đã cho thấy sự hợp tác tích cực với chính phủ. Ông dự báo sau sự kiện này, rất nhiều quốc gia sẽ tìm kiếm một nơi an toàn và nồng ấm cho các hội nghị của mình như Việt Nam. Nhờ đó, Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc về kinh tế và chính trị trên thế giới cũng như ở Đông Á.
[Báo chí quốc tế đánh giá cao hạ tầng phục vụ Hội nghị Mỹ Triều]
Về nguyên nhân hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, Giáo sư Lee Woong-Hyeon đã đưa ra hai lý do để giải thích cho kết quả này. Theo ông, thứ nhất chính là sự khác biệt cơ bản trong lập trường đối với vấn đề hạt nhân của hai nhà lãnh đạo. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp cận vấn đề này với ý tưởng về một thỏa thuận lớn, trong đó có việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn mong muốn phi hạt nhân hóa từng bước cùng với sự đáp lại của Mỹ trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Một nguyên nhân nữa là tình hình nội bộ chính trị của nước Mỹ. Hiện Tổng thống Trump bị mắc kẹt trong cuộc công kích từ Quốc hội về các bê bối liên quan đến chiến dịch tranh cử. Theo ông Lee Woong-Hyeon, có lẽ Tổng thống Trump nghĩ rằng việc không đạt được thỏa thuận sẽ giúp ông ít bị chỉ trích hơn so với một thỏa thuận nhỏ.
Đối với triển vọng đàm phán hạt nhân hiện nay, Giáo sư Lee Woong-Hyeon tỏ ra không quá bi quan về tương lai đàm phán, bởi theo ông Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ hiện đang trong giai đoạn đầu tiên của tiến trình ngoại giao dài để phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Để đạt đến giai đoạn cuối cùng, ông đánh giá sẽ mất nhiều thời gian hơn, thậm chí là một vài năm nữa.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc sẽ sớm tiến hành một cuộc hòa giải để tháo gỡ thế bế tắc giữa Triều Tiên và Mỹ. Dù chưa có phương án cụ thể, song Tổng thống Trump đã kêu gọi Tổng thống Moon Jae-in giữ vai trò hòa giải. Giáo sư Hàn Quốc nhận định giới chức Mỹ và Triều Tiên sẽ tiến hành thảo luận về một cuộc gặp thượng đỉnh mới, có thể là trong nửa cuối năm nay./.