Theo phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ), từ ngày 28/5 đến 8/6, khoảng 5.000 đại biểu, gồm đại diện các chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động của 187 quốc gia thành viên Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tham dự Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 107 tại thành phố Geneva.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 107 gồm đại diện cơ chế ba bên: Chính phủ (Bộ Lao động-Thuong binh và Xã hội), người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và người sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam).
Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tham gia sự kiện.
Năm nay, hội nghị thường niên của ILO đề cập một loạt vấn đề như bạo lực nơi làm việc, tình trạng quyền của người lao động trên toàn thế giới, lao động nữ, nghiên cứu các công cụ liên quan đến thời gian làm việc, đối thoại xã hội, vấn đề thực thi các tiêu chuẩn và hợp tác vì phát triển.
Phát biểu tại diễn đàn Hội nghị Lao động Quốc tế, Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder kêu gọi các đại biểu thể hiện "tinh thần của cơ chế ba bên (chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động), thỏa hiệp và đồng thuận" để đối mặt với những thách thức về môi trường làm việc.
Theo người đứng đầu ILO, trong 11 ngày làm việc của hội nghị, các cuộc tranh luận sẽ tập trung vào các chủ đề: tại sao vấn đề tạo việc làm và công việc tốt, phù hợp lại có tầm quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình bền vững? Làm thế nào để những can thiệp thúc đẩy việc làm có thể đóng góp tốt hơn vào việc ngăn ngừa các xung đột, mang lại và duy trì hòa bình? Các đối tác chiến lược có thể mang lại đóng góp gì cho chương trình phát triển bền vững và duy trì hòa bình; và ILO có vai trò gì.
Ngày 5/6, thay mặt đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên ILO, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao và ủng hộ Sáng kiến thiên niên kỷ của ILO về “Phụ nữ tại nơi làm việc: lực đẩy hướng tới bình đẳng.”
Sáng kiến này góp phần bổ sung cho các công cụ chính sách hiện tại nhằm thúc đẩy bình đẳng giới bằng cách tiếp cận mới, đảm bảo công bằng xã hội toàn cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định Việt Nam nhận thức rõ vai trò đóng góp của lao động nữ đối với sự thịnh vượng chung và phát triển bền vững, do đó, đảm bảo quyền của lao động nữ tại nơi làm việc là một trong các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Điều này đã được thể hiện bằng việc ban hành luật pháp, chính sách để tạo điều kiện cho phụ nữ được nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý, lãnh đạo và có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận thị trường.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam là giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.
Các chương trình, đề án như: giáo dục nghề nghiệp-việc làm và an toàn lao động, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp... đã tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận với cơ hội việc làm, tham gia vào thị trường lao động, thoát nghèo, nâng cao quyền năng kinh tế.
Với những nỗ lực đó, đến nay, lao động nữ chiếm 48,1% trong tổng số 54,8 triệu người lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ là 72%. Tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp là hơn 25%. Khoảng cách về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và thu nhập cũng được cải thiện đáng kể.
Quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, song cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn, nhất là đối với phụ nữ. Phụ nữ ngày càng có nguy cơ bị loại ra khỏi nền kinh tế chính thức, hoặc có ít lựa chọn công việc hơn.
Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tiềm năng và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nữ. Từ đó, nâng cao địa vị của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới; thúc đẩy lồng ghép bình đẳng giới vào quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển nguồn nhân lực trong phạm vi toàn quốc.
Vừa qua, Việt Nam đã thông qua 2 nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và tiền lương. Đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Chính phủ và các đối tác ba bên của Việt Nam tiến hành các cải cách sâu rộng về hệ thống bảo hiểm xã hội và chính sách tiền lương gắn với quan hệ lao động.
Trong quá trình xây dựng 2 văn kiện quan trọng này, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật có hiệu quả của ILO.
Ngoài ra, các hoạt động hợp tác với ILO trong quá trình chuẩn bị sửa đổi Bộ luật Lao động; bình đẳng giới, quan hệ lao động, giáo dục nghề nghiệp, an toàn lao động... đang được triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc tăng cường năng lực cho Chính phủ và các đối tác xã hội.
Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của ILO và các nước thành viên trong việc: thúc đẩy cải cách luật pháp lao động, đặc biệt là các chính sách bảo hiểm xã hội và quan hệ lao động; tăng cường các cơ chế đối thoại xã hội; nghiên cứu và phê chuẩn các công ước của ILO, đặc biệt là các công ước cơ bản; và triển khai Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam-ILO về việc làm bền vững giai đoạn 2017-2021.
Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực thực hiện tốt nghĩa vụ thành viên; tiếp tục duy trì và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa ILO và các đối tác ba bên tại Việt Nam.
Cùng ngày, cũng trong khuôn khổ phiên họp toàn thể Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 107, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Trần Văn Lý, đã có bài phát biểu thay mặt hơn 10 triệu đoàn viên công đoàn và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết Việt Nam hiện có lực lượng lao động là 55 triệu người, trong đó lao động nữ chiếm gần 26,5 triệu, tức khoảng 48%.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách liên quan đến phụ nữ như Luật Bình đẳng giới, Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội và nhiều văn bản pháp luật khác.
Chính phủ cũng ban hành nhiều chiến lược quan trọng liên quan đến phụ nữ như: Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020; Chương trình hành động Quốc gia phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020.
Trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp tới người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham gia và đóng vai trò tích cực trong việc đề xuất và phối hợp với các cơ quan nhà nước để xây dựng, ban hành các quy định pháp luật về bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử về giới và có những chính sách ưu tiên hơn đối với lao động nữ nhằm đảm bảo quyền của lao động nữ.
Điều lệ Công đoàn, các nghị quyết và chương trình hành động của Ban Chấp hành Tổng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đã xác định công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động (công nhân viên chức lao động) là một trong 8 nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
CĐVN cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động về Bình đẳng giới, giai đoạn 2016-2020 nhằm triển khai các nội dung của Chương trình hành động Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016- 2020 gắn với công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động nhằm nâng cao năng lực, trình độ của nữ công nhân viên chức lao động; tạo việc làm ổn định, nâng cao vị thế của nữ công nhân viên chức lao động trong gia đình và xã hội; đồng thời nâng cao nhận thức của cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức lao động về công tác bình đẳng giới, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nữ công nhân viên chức lao động.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của ILO, tháng 5/2015, Bộ quy tắc ứng xử dành cho tất cả doanh nghiệp nhằm ngăn chặn quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã được công bố.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định các cấp công đoàn Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm đến hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền của lao động nữ và tăng cường tỷ lệ tham gia cũng như tỷ lệ lãnh đạo nữ trong hệ thống và hoạt động công đoàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, đó là lao động nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi về tiền lương, điều kiện làm việc, cơ hội đào tạo, thăng tiến và việc làm bền vững.
Điều đó đặt ra yêu cầu với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong thời gian tới phải tập trung hơn trong việc tham gia xây dựng chính sách, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách, cũng như có những chương trình, kế hoạch cụ thể hơn, thiết thực hơn để chăm lo cho lao động nữ và công tác cán bộ nữ.
Trong những năm qua, Công đoàn Việt Nam đã nhận được nhiều sự hợp tác, hỗ trợ của ILO, ILO khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ILO Việt Nam. Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự trợ giúp kỹ thuật của ILO trong thời gian tới nhằm làm tốt hơn nữa chức năng đại diện, bảo vệ, chăm sóc quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động nói chung và nữ đoàn viên, công nhân lao động nói riêng./.