Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn

Thực hiện kinh tế tuần hoàn là cách để Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm...
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp là xu thế tất yếu của thời đại. Mục tiêu của Việt Nam khi chuyển dịch từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn tập trung vào 3 trụ cột: thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái."

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đưa ra tại Hội thảo trực tuyến “Kinh tế tuần hoàn tại các thị trường mới nổi: Tiềm năng phục hồi xanh tại khu vực châu Á đang phát triển," diễn ra chiều 2/6.

Hội thảo do Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) và Quỹ Phát triển Đổi mới sáng tạo Phần Lan (SITRA) tổ chức.

Đây là hội thảo bên lề cấp khu vực của Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn thế giới nhằm giới thiệu các tài liệu chính sách, xem xét các nghiên cứu điển hình về việc thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn; các nguyên tắc và khuyến nghị liên quan, tập trung vào phục hồi xanh và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các bộ quản lý về các lĩnh vực: tài nguyên, phát triển, công thương, kinh tế, biến đổi khí hậu... thuộc các nước tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chính quyền địa phương, đại diện từ khu vực tư nhân cũng như các chuyên gia toàn cầu.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các khuôn khổ pháp lý, quy định, chính sách khu vực và quốc gia, cơ hội cho khu vực tư nhân và sự đổi mới ở các thành phố có thể giúp mở ra tiềm năng của cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về tiềm năng của một nền kinh tế tuần hoàn để hỗ trợ khôi phục sau đại dịch COVID-19; các rào cản đối với việc tích hợp khái niệm kinh tế tuần hoàn vào các khuôn khổ phát triển bền vững; xây dựng kiến thức và năng lực chính thức của chính phủ để hoạch định các chính sách hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn; xem xét các nghiên cứu điển hình về quốc gia, nêu bật các phương pháp hay nhất để chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Tại phiên thảo luận có chủ đề “Từ tuyến tính tới tuần hoàn-điều gì sẽ xảy ra?," Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu, thay đổi nhận thức của người dân trên toàn thế giới, càng làm sâu sắc thêm yêu cầu về thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững.

Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21. Đây là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái Đất.

Thực hiện kinh tế tuần hoàn là cách thức để Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng, đồng thời tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân, cộng đồng và thế giới tự nhiên.

Việt Nam đã thể chế hóa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường. Mục tiêu của Việt Nam khi chuyển dịch từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn tập trung vào 3 trụ cột: thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái.

Đối với mục tiêu thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu, Việt Nam tập trung vào thiết kế sản phẩm và quy trình công nghệ tạo ra sản phẩm nhằm hạn chế tối đa khai thác nguyên liệu thô, á kim, phi kim, năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, sinh khối; đồng thời loại bỏ chất thải và chất ô nhiễm trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm từ thiết kế, khai thác, chế biến, sản xuất, phân phối, tiêu dùng, thu gom, phân loại, xử lý chất thải, và khai thác lại chất thải.

Thiết kế được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá quyết định 80% chất thải tạo ra trong nền kinh tế, do đó, Việt Nam cho rằng đây là khâu đột phá quyết định.

Đối với mục tiêu giảm rác thải, phát thải, Việt Nam hướng tới giữ cho các sản phẩm và vật liệu được lưu dùng tối đa trong nền kinh tế thông qua chiến lược 9R (từ chối, tiết giảm, tái phân phối/tái sử dụng, tu sửa, tân trang, tái sản xuất, thay đổi mục đích, tái chế, thu hồi năng lượng và tái khai thác rác thải).

Với mục tiêu khôi phục hệ sinh thái, Việt Nam hướng tới thúc đẩy tái tạo và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên.

Khi thực hiện kinh tế tuần hoàn, Việt Nam không chỉ hướng tới mục tiêu giảm thiểu khai thác nguyên liệu thô, nhiên liệu hóa thạch, rừng nguyên sinh, nguồn nước tự nhiên và giảm thiểu rác thải, phát thải khí nhà kính, giảm thiểu chôn rác và đốt rác không thu hồi năng lượng... mà còn đặt mục tiêu tái tạo hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ, bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên đất, nước, rừng, biển và đa dạng sinh học, bảo vệ sinh vật sống trên cạn, dưới nước.

Đây cũng là mục tiêu của Liên hợp quốc và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc thực hiện một Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái từ 2021 tới 2030, được phát động trong tháng 6, nhân ngày Môi trường thế giới 5/6.

“Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, trong tháng Hành động vì môi trường và một thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái này, chúng tôi đã và đang phát động nhiều chương trình cung cấp thông tin và khuyến khích thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhằm mục tiêu thúc đẩy thiết kế sinh thái, thúc đẩy các quy trình kinh tế tuần hoàn, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững và nhằm đảm bảo rằng chất thải và ô nhiễm được ngăn chặn, các nguồn lực vốn tự nhiên được lưu giữ và sử dụng tối đa trong nền kinh tế," Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn, cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác...

[Thủ tướng dự Hội nghị thượng đỉnh đối tác về tăng trưởng xanh]

Báo cáo trình Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ, giai đoạn đến năm 2025 “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn," “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết hiện nay, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng quy định về “tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam."

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương hiện đã được quy định rõ trong Luật, gắn với lộ trình triển khai, thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tái cơ cấu lại hệ thống các công cụ kinh tế, tài chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và an ninh, an toàn tài chính quốc gia; phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và yêu cầu bảo vệ môi trường ở từng giai đoạn của Việt Nam.

Những công cụ tài chính có vai trò quan trọng trong chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn cần được phối hợp giữa hai bộ để hoàn thiện như thuế, phí bảo vệ môi trường; chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường, tái chế, tái sử dụng chất thải trong nền kinh tế; chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh; chính sách về điều hành giá của nhà nước...

Về chuyển đổi số, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành để xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên môi trường để thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, triển khai Chính phủ điện tử.

“Chúng tôi đặt trọng tâm vào hạch toán và quản lý vốn tự nhiên đất, nước, rừng, biển và đa dạng sinh học theo khối lượng, số lượng; giá trị kinh tế, tiền tệ; phân bổ nguồn lực theo không gian, quy hoạch, định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tiết giảm tối đa nguyên liệu thô, giảm thiểu rác thải, phát thải, chôn lấp rác thải, đốt rác không thu hồi năng lượng và thúc đẩy tái tạo hệ sinh thái tự nhiên," Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục