Ngày 23 và 24/5, tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Nhân đạo lần đầu tiên.
Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, hơn 130 triệu người phải cần tới trợ giúp nhân đạo để sinh tồn; hàng chục triệu người phải rời bỏ nơi ở do chiến tranh, xung đột, thiên tai, dịch bệnh.
Trong khi đó, nguồn lực dành cho các hoạt động nhân đạo ngày càng eo hẹp do thiếu những cam kết đủ mạnh và một hệ thống toàn cầu ứng phó hiệu quả với khủng hoảng.
Chính vì vậy, Hội nghị thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế, với hơn 9.000 đại biểu đến từ 173 quốc gia, trong đó có trên 50 nhà lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, đại diện các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới.
Tại Phiên toàn thể cũng như bảy phiên thảo luận bàn tròn cấp cao và nhiều phiên thảo luận đặc biệt, trên cơ sở Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc “Một nhân loại: Cùng chia sẻ trách nhiệm,” các đại biểu đã trao đổi ý kiến và đưa ra những cam kết mạnh mẽ về các nội dung như: Ngăn ngừa và giải quyết xung đột, bảo vệ thường dân; Các giải pháp giải quyết những nguyên nhân gốc rễ dẫn tới các cuộc khủng hoảng nhân đạo; Tăng cường năng lực của các cộng đồng địa phương và người dân trong việc ứng phó với khủng hoảng nhân đạo; Bảo đảm nguồn lực cho các hoạt động nhân đạo.
Phát biểu tại Phiên toàn thể và Phiên thảo luận bàn tròn cấp cao “Thay đổi cuộc sống của người dân: từ cung cấp trợ giúp tới chấm dứt nhu cầu trợ giúp,” Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng đoàn đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị, khẳng định chính sách của Việt Nam luôn lấy con người làm trung tâm và là động lực cho mọi chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội và nhân đạo.
Là quốc gia từng trải qua chiến tranh và hiện chịu nhiều tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực quốc gia, sự tham gia của người dân và cộng đồng trong việc ngăn ngừa, giảm thiểu các thách thức về nhân đạo, xây dựng một xã hội hòa bình, ổn định và phồn vinh.
Việt Nam cam kết thực hiện các nghĩa vụ theo các văn kiện pháp lý quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hợp tác chặt chẽ với các đối tác khu vực và quốc tế nhằm tăng cường khả năng cảnh báo sớm, phản ứng kịp thời và ứng phó hiệu quả với hiểm họa thiên tai.
Trên cơ sở quá trình tham vấn kéo dài ba năm vừa qua tại hơn 150 quốc gia, Hội nghị đã đưa ra gợi ý về các nội dung cụ thể mà các nước có thể cam kết phù hợp với các điều kiện của quốc gia nhằm giải quyết tận gốc và bền vững các nguyên nhân dẫn tới thảm họa nhân đạo./.