Ngày 6/10, Ủy ban các vấn đề kinh tế và tài chính (Ủy ban 2) thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71 đã thảo luận về đề mục hoạt động hợp tác phát triển của Liên hợp quốc.
Tại phiên thảo luận, các nước đang phát triển nêu mong muốn huy động thêm nguồn lực để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; quan ngại về nguồn lực hỗ trợ dành cho các hoạt động phát triển của Liên hợp quốc có xu hướng chững lại và mất cân bằng giữa nguồn lực cốt lõi và nguồn lực dành riêng cho các dự án cụ thể, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển tại thực địa.
Đồng thời, những nước này đề nghị các quỹ, chương trình phát triển của Liên hợp quốc thống nhất hài hòa các hoạt động với Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 được lãnh đạo các nước thông qua cuối tháng 9/2015. Các nước phát triển tiếp tục đề cao việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đổi mới phương thức vận hành của hệ thống phát triển Liên hợp quốc.
Phát biểu thay mặt các nước ASEAN, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đánh giá cao vai trò cũng như sự hỗ trợ của Liên hợp quốc trong các hoạt động phát triển tại các nước, đồng thời hoan nghênh Liên hợp quốc cùng với ASEAN thúc đẩy thực hiện Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện giữa Liên hợp quốc-ASEAN.
Trong bối cảnh các nước thành viên ASEAN đang tiến tới xây dựng Cộng đồng ASEAN và bắt đầu thực hiện chương trình nêu trên, hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, có thể bổ trợ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu cao nhất là “để không ai bị bỏ lại sau."
Đại sứ Nguyễn Phương Nga chia sẻ quan ngại của nhiều nước về tình hình suy giảm nguồn lực và kêu gọi các nước tài trợ tiếp tục cam kết hỗ trợ nguồn lực dành cho phát triển.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga kêu gọi tăng cường nỗ lực nhằm cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc theo hướng thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp giữa các tổ chức Liên hợp quốc, trong đó sáng kiến “Thống nhất hành động."
Đại sứ đã thay mặt ASEAN kêu gọi Liên hợp quốc cũng như các nước thành viên Liên hợp quốc tiếp tục ủng hộ hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên.
Trước đó, ngày 3/10/2016, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận chung của Ủy ban 2, khẳng định cam kết của Việt Nam đối với việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đồng thời Đại sứ cũng kêu gọi các nước thực hiện cam kết về ODA, thúc đẩy và thuận lợi hóa thương mại.
Ngoài ra, các thách thức đối với các nước có thu nhập trung bình cũng cần được quan tâm, vì những thách thức này thường không dễ thấy và không được thể hiện qua yếu tố thu nhập.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng bày tỏ vui mừng về việc Thỏa thuận Paris sẽ sớm có hiệu lực và thông báo Việt Nam đang nỗ lực hoàn tất thủ tục nội bộ để phê chuẩn thỏa thuận./.