Ngày 26/9, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức phiên họp cấp cao kỷ niệm Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Tham dự cuộc họp có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, nhiều đại diện cấp cao của các nước thành viên, quan sát viên và các tổ chức phi chính phủ.
Với tư cách Phó Chủ tịch Đại hội đồng, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã cùng tham gia điều hành cuộc họp ý nghĩa này và phát biểu kêu gọi thúc đẩy quan hệ hữu nghị nhằm giảm rủi ro hạt nhân.
Tại phiên họp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân không phải là một giấc mơ xa vời mà là khả thi và cần thiết.
Ông cho rằng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay, với sự thiếu vắng lòng tin và cả gây hấn công khai, thế giới đang có nguy cơ lãng quên những bài học kinh hoàng của sự kiện Nagasaki, Hiroshima hay trong Chiến tranh Lạnh.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các nước sử dụng mọi kênh đối thoại, ngoại giao và đàm phán để giảm căng thẳng và rủi ro hạt nhân.
Nhấn mạnh Chương trình nghị sự về hoà bình mới do ông đề xuất, người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi cùng xây dựng đồng thuận quốc tế để loại trừ vĩnh viễn nguy cơ hạt nhân, vì mục tiêu chung là hòa bình.
Đông đảo các nước, nhóm nước tại lễ kỷ niệm cũng chia sẻ những nhận định này, kêu gọi sớm thúc đẩy hơn nữa việc giải trừ vũ khí hạt nhân vì hòa bình, ổn định của thế giới.
Tham dự cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu là một trong những mục tiêu lâu dài của Liên hợp quốc nhưng sẽ còn khó khăn mới có thể đạt được.
Nhiều ý kiến cho rằng nguy cơ hạt nhân và đối đầu trực tiếp hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên.
[Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực kiến tạo hòa bình]
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh để giải trừ vũ khí hạt nhân hiệu quả, cần xây dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho việc thúc đẩy lòng tin, quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, ưu tiên đề cao luật pháp quốc tế và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của các quốc gia, Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW).
Việt Nam cũng cho rằng cần thúc đẩy đối thoại và đàm phán các thỏa thuận quốc tế về cắt giảm vũ khí hạt nhân và vật liệu phân hạch, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của nâng cao nhận thức về hậu quả thảm khốc của loại vũ khí này.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân, hướng tới loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này và cam kết tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo các hiệp ước liên quan, trong đó có NPT, Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân toàn diện (CTBT), TPNW và Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn ngày 26/9 hằng năm là Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân tại Nghị quyết số 68/32 năm 2013./.