Ngày 25/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp trực tuyến, nghe báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 2532 về đại dịch COVID-19.
Các Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Rosemary DiCarlo, Jean Pierre Lacroix, Atul Khare và Mark Lowcock phụ trách các vấn đề chính trị-xây dựng hòa bình, hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ hậu cần và hỗ trợ nhân đạo của Liên hợp quốc đã tham dự và báo cáo tại cuộc họp.
Tại đây, Việt Nam kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiếp tục đoàn kết, thể hiện vai trò lãnh đạo trong xây dựng một chiến lược toàn diện và mạnh mẽ hơn ứng phó với đại dịch COVID-19 trong giai đoạn tiếp theo.
Các báo cáo viên cho biết, dịch COVID-19 tiếp tục tác động sâu sắc đến tất cả các nước, làm gia tăng bất bình đẳng, phân biệt đối xử, trong đó phụ nữ và thanh niên bị ảnh hưởng nhiều nhất, cản trở các tiến trình hòa bình và bầu cử.
Một số bên trong các xung đột, các nhóm khủng bố có xu hướng lợi dụng sự bất ổn do dịch bệnh này gây ra để giành lợi thế. Ước tính số người cần cứu trợ nhân đạo trên toàn cầu đã gia tăng 40% và các quốc gia bị sụt giảm kinh tế tồi tệ nhất trong 90 năm qua cũng là những nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Các báo cáo viên cho rằng nguy cơ bất ổn vẫn còn tồn tại và dịch bệnh trên là phép thử về thể chế chính trị toàn cầu.
Các Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định sự ủng hộ của các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có ý nghĩa thiết yếu trong thiết lập và duy trì hoà bình.
[10 vấn đề đang chờ đợi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc]
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an kêu gọi các bên xung đột thực hiện đầy đủ Nghị quyết 2532, tăng cường thực hiện Lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, hỗ trợ nhân đạo và tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo cho người dân tại các nước đang có xung đột, tăng cường ủng hộ và bảo vệ an toàn, sức khỏe cho lực lượng gìn giữ hòa bình.
Các nước nhấn mạnh vắcxin ngừa COVID-19 phải là hàng hóa công cộng và khẳng định cần giải quyết các tác động kinh tế của dịch bệnh, không để phát triển thành các hệ lụy chính trị, đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế.
Đại sứ Phạm Hải Anh, Đại biện lâm thời của Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ và thực hiện Lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc và đề xuất tạo cơ chế giám sát việc thực hiện ngừng bắn, phát huy vai trò của các đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký, tổ chức khu vực trong việc làm trung gian, hòa giải xung đột.
Việt Nam ủng hộ và hoan nghênh các phái bộ hòa bình của Liên hợp quốc đã kịp thời thích nghi với tình hình mới, bảo đảm triển khai sứ mệnh, luân chuyển quân, bảo vệ an toàn, sức khỏe người dân và lực lượng gìn giữ hoà bình.
Đại biện lâm thời của Việt Nam nêu rõ các quốc gia cần tăng cường cam kết hợp tác quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, xây dựng hệ thống y tế toàn cầu tự cường và ổn định; ưu tiên trước mắt cần tập trung phát triển kinh tế, tăng cường sinh kế của người dân, cung cấp tài chính cho phát triển, bảo đảm tiếp cận vắcxin công bằng và bình đẳng.
Nghị quyết 2532 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua ngày 1/7/2020 với 15/15 phiếu thuận, có nội dung chính là kêu gọi ngừng bắn tại tất cả các quốc gia, ủng hộ Lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký nhằm tạo điều kiện ứng phó nhân đạo với đại dịch COVID-19./.