Việt Nam kêu gọi đảm bảo an ninh, quyền con người tại Burundi

Việt Nam theo dõi sát sao và chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình bạo lực tại Burundi, lên án bạo lực và vi phạm quyền con người đối với thường dân, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Việt Nam kêu gọi đảm bảo an ninh, quyền con người tại Burundi ảnh 1Người tị nạn Burundi lánh nạn tại trại tị nạn ở Kigoma, Tanzania do nội chiến tại Burundi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đại diện phái đoàn Việt Nam tại Geneva (Thụy Sĩ) khẳng định là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam theo dõi sát sao và chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình bạo lực tại Burundi, lên án bạo lực và vi phạm quyền con người đối với thường dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em.

Phát biểu tại phiên họp đặc biệt về "tình hình nhân quyền ngày càng nghiêm trọng tại Burundi" theo yêu cầu của gần 40 nước thành viên và quan sát viên Hội đồng Nhân quyền diễn ra ngày 17/12 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, đại diện Việt Nam cho biết Việt Nam ủng hộ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU) có sự hỗ trợ cần thiết, với sự đồng thuận của chính quyền và các bên liên quan tại Burundi, để sớm chấm dứt bạo lực và có đối thoại tìm giải pháp hòa bình.

Trong báo cáo Hội đồng Nhân quyền, Cao ủy Nhân quyền và các quan chức cấp cao khác của Liên hợp quốc và AU cho rằng tình hình bạo lực bùng phát ở Burundi đang tiến tới một cuộc nội chiến, đe dọa tái hiện quá khứ đen tối của nội chiến và diệt chủng.

Các báo cáo nhấn mạnh các vụ tấn công bạo lực của cả chính phủ lẫn các nhóm đối lập đã làm hàng trăm người thiệt mạng, nhiều người bị bắt cóc, tra tấn, và hơn 200.000 người phải tị nạn. Các điều kiện về y tế, lương thực cũng đặc biệt khó khăn khiến các quyền của người dân không thể đảm bảo, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.

Cao ủy và các quan chức của Liên hợp quốc và AU kêu gọi Hội đồng Nhân quyền và cộng đồng quốc tế cần có hành động khẩn cấp để ngăn chặn khả năng tình hình nhân quyền tại Burundi diễn biến ngày càng nghiêm trọng.

Burundi có phát biểu cho rằng để hỗ trợ nước này sớm vượt qua tình hình khó khăn hiện nay, cộng đồng quốc tế cần có nhận thức cân bằng, khách quan về tình hình trong nước, tránh chính trị hóa vấn đề khi tập trung chỉ trích chính quyền mà không lên án mạnh các hành vi "khủng bố" của các phe phái.

Hơn 70 thành viên và quan sát viên của Hội đồng Nhân quyền có phát biểu quan ngại sâu sắc về tình hình bạo lực bùng phát tại Burundi. Các nước kêu gọi chính phủ và các phe phái tại Burundi ngừng ngay lập tức các hành vi bạo lực chống lại dân thường và sớm có đối thoại thực chất nhằm có giải pháp chính trị cho xung đột tại nước này.

Nhiều nước trực tiếp yêu cầu chính phủ Burundi giải giáp các nhóm chính trị, sắc tộc thân chính phủ, chấm dứt các phát ngôn và chính sách kỳ thị sắc tộc và sớm điều tra, xét xử các đối tượng phạm tội trong thời gian qua. Các nước cũng yêu cầu Liên hợp quốc tăng cường thực hiện và mở rộng các nỗ lực liên quan đến Burundi trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền.

Sau phần thảo luận, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua nghị quyết lên án các hành vi bạo lực và vi phạm quyền con người do các bên gây ra tại Burundi, giao Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc tăng cường các hoạt động tìm hiểu sự thật, hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác với chính quyền Burundi và các bên liên quan nhằm xác định và ngăn chặn các nguy cơ vi phạm nhân quyền tái diễn nghiêm trọng hơn trong thời gian tới; đồng thời khẳng định Hội đồng Nhân quyền sẽ tăng cường thảo luận và xem xét vấn đề này trong các khóa họp thường kỳ sắp tới trong năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục