Việt Nam và Israel cam kết thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là về các lĩnh vực về giống và công nghệ nước.
Trong buổi hội đàm ngày 31/10 tại Hà Nội giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nhà nước Israel ông Yair Shamir, hai bên đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình hợp tác thời gian qua, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác toàn diện trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nhà nước Israel, ông Yair Shamir cho biết Israel có thế mạnh về công nghệ cao gắn với nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu nên mong muốn hợp tác với các cơ sở nghiên cứu chuyên ngành của Việt Nam.
Đồng thời, Israel cũng muốn được xuất khẩu một số sản phẩm nông sản sang Việt Nam, cũng như hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo cho cả hệ thống các doanh nghiệp cũng được bảo hộ về lĩnh vực này.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao các hình thức đào tạo đã được triển khai ở cả Israel và Việt Nam.
Bộ trưởng đề xuất tăng cường hợp tác trong lĩnh vực áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Bộ trưởng Cao Đức Phát mong muốn công nghệ tưới này sẽ được mở rộng ra hàng trăm ngàn ha chứ không chỉ là mô hình nữa. Mục tiêu tới trước 2020 có 10 triệu ha được áp dụng công nghệ tiên tiến này. Việc phối hợp sản xuất trang thiết bị ngay tại Việt Nam để giảm chi phí vận tải.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Israel tiếp tục tổ chức và hỗ trợ các chương trình/khóa đào tạo cho cán bộ Việt Nam về chế biến nông sản thô và bảo quản sau thu hoạch; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành các công trình thủy lợi; biến đổi khí hậu và quá trình sa mạc hóa; công nghệ sinh học, thủy sản.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị phía Israel xây dựng mới các dự án Hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư trong các lĩnh vực: công nghệ sản xuất và bảo quản rau quả không dùng hóa chất; công nghệ kỹ thuật chăn nuôi.
Việc thúc đẩy hợp tác trong ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng được Việt Nam rất coi trọng, nhất là về giống và công nghệ nước. Việt Nam cũng tuân thủ nghiêm theo các quy định về sở hữu trí tuệ.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hướng phát triển nông nghiệp của Việt Nam thời gian tới là tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sang các nước nhưng cũng sẵn sàng đón nhận các sản phẩm nông sản, nhập các máy móc thiết bị hiện đại của Israel.
Phía Việt Nam chỉ yêu cầu một thông báo đơn giản về hệ thống kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm từ phía Israel để tạo sự tin cậy giữa hai nước.
Năm 2013 là mốc kỷ niệm tròn 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Israel. Trong thời gian này hai nước đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác có hiệu quả cao như các khóa đào tạo ngắn hạn tại Israel, tập trung vào kỹ thuật canh tác, chế biến rau quả, công nghệ sau thu hoạch, kỹ thuật thủy lợi và quản lý tưới.
Chương trình đào tạo thực hành nông nghiệp tại Israel được triển khai từ năm 2008 với hơn 2.160 học viên Việt Nam được cử đi.
Israel cũng hợp tác nghiên cứu, xây dựng mô hình thông qua các dự án như: xây dựng Trạm thực nghiệm Hà Nội; dự án nhà kính ở Hà Nội, Hải Phòng; dự án trang trại thực nghiệm và trình diễn bò sữa tại Thành phố Hồ Chí Minh (hoạt động từ cuối năm 2012 với kinh phí một triệu USD, với mục tiêu trở thành trang trại chất lượng cao và trung tâm đào tạo cho khu vực Đông Nam Á./.
(Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)
(TTXVN)