Việt Nam-Indonesia còn nhiều tiềm năng hợp tác thương mại

Tại hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam-Indonesia năm 2022,” các đại biểu nhận định hai nước còn nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC), phát biểu tại hội nghị kết nối giao thương. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Việt Nam-Indonesia còn nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Đây là nhận định của các đại biểu tại “Hội nghị Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Indonesia năm 2022” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 19/12.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết mức độ tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của thị trường Indonesia rất lớn, nhất là các sản phẩm Halal (sản phẩm có chứng nhận phù hợp với Luật đạo Hồi) vốn là thị trường còn rất nhiều cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, Indonesia là một trong những thị trường nhập khẩu có tiềm năng rất lớn của Việt Nam tại khu vực ASEAN.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Indonesia 10 tháng năm 2022 đạt 11,58 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt trên 3,78 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong số các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng đứng đầu về kim ngạch, bên cạnh đó còn có sản phẩm thủy sản, c phê, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, hàng dệt, may, giày dép các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, sắt thép các loại...

[Việt Nam-Indonesia có thể hợp tác để trở thành các đầu tàu kinh tế]

Theo ông Nguyễn Tuấn, hàng hóa Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế tại thị trường Indonesia với giá trị kim ngạch xuất khẩu đang gia tăng theo thời gian. Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như các sản phẩm nông sản, dệt may, thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng, công nghiệp tiêu dùng của Việt Nam hiện vẫn còn chưa thâm nhập mạnh vào thị trường và có giá trị kim ngạch xuất khẩu còn khiêm tốn. Có thể khẳng định Việt Nam-Indonesia vẫn còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

Ông Nguyễn Tuấn cho biết thêm để phát huy các lợi thế của các doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy phát triển và phục hồi kinh tế hậu COVID-19, ITPC thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức các chương trình xúc tiến, giao lưu thương mại, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Indonesia có cơ hội gặp gỡ, trao đổi tìm kiếm các đối tác xuất nhập khẩu và các đối tác phân phối sản phẩm, mở rộng thị trường.

Về phía doanh nghiệp Indonesia, ngoài kết nối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Thành phố Hồ Chí Minh để tìm đại lý phân phối cũng có thể tìm được cơ hội tham gia vào thị trường Việt Nam thông qua hai hệ thống phân phối hiện đại, đồng thời làm cầu nối đưa hàng hóa Việt thâm nhập sâu hơn vào Indonesia.

Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự nước Cộng hòa Indonesia tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh bất chấp những thách thức mà dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia có tốc độ tăng trưởng phục hồi kinh tế cao trong khu vực. Những kết quả đó không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn góp phần tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi và sự ổn định của khu vực.

Theo ông Agustaviano Sofjan, các cơ quan chức năng của Indonesia luôn tạo điều kiện và là cầu nối nhằm thúc đẩy tiềm năng cũng như cơ hội giữa hai nước, góp phần củng cố và tăng cường kết nối giữa Chính phủ, người dân và các doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh và đạt được thỏa thuận kinh doanh cụ thể, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp của hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục