Việt Nam hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh, tiết kiệm chi phí

Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn đánh giá sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với chi phí tăng cao thời gian gần đây và có những dự báo còn tiếp tục tăng nữa do những biến động thế giới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 11/3 sẽ diễn ra hội nghị trực tuyến các bộ trưởng nông nghiệp từ các quốc gia G7 để thảo luận về tác động của tình hình căng thẳng Nga-Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu và cách ổn định tốt nhất thị trường lương thực. Nhân hội nghị này, TTXVN có bài viết "Việt Nam hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh, tiết kiệm chi phí".

Căng thẳng Nga-Ukraine có thể mang lại những hậu quả toàn cầu khi tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng, bởi đây là hai quốc gia chủ chốt về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón. Đứng trước những áp lực tác động vào sản xuất như phân bón, xăng dầu… là nước cung cấp lúa gạo đứng thứ 3 thế giới, đòi hỏi ngành nông nghiệp Việt Nam phải sản xuất tiết kiệm chi phí hơn, theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với chi phí tăng cao trong thời gian gần đây và có những dự báo còn tiếp tục tăng hơn nữa do những biến động trên thế giới. Giảm chi phí đầu vào là một “mệnh lệnh” khi chuyển sang kinh tế nông nghiệp, giúp nông dân giảm khó khăn, thiệt hại. Theo đó, những giải pháp thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu vật tư, tăng cường tuần hoàn các phế phẩm nông nghiệp ở quy mô hộ, liên hộ, hợp tác xã cần được nhân rộng, trở thành phổ biến.

Vụ lúa Đông Xuân là vụ lúa chính trong năm nên nông dân đều kỳ vọng vụ lúa này sẽ cho năng suất cao, bán được giá tốt nhất. Nhưng năm nay, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long phải gánh nhiều thứ trong canh tác lúa ở vụ này, nhất là từ đầu vụ giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao mà dự báo còn tiếp tục tăng. Chưa kể những rủi ro từ dịch hại, thời tiết bất thường... làm năng suất lúa giảm nhiều so với vụ Đông Xuân năm trước.

[Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho nông nghiệp hữu cơ Việt Nam]

Tại nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, nông dân cho biết lợi nhuận mà họ có được rất thấp, bởi các chi phí như giá vật tư, xăng dầu, thuê máy móc, công lao động… đều tăng.

Nông dân Nguyễn Văn Bảy, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp cho biết vụ lúa này chi phí sản xuất khoảng 40 triệu đồng/ha gồm làm đất, vệ sinh đồng ruộng, bơm tát, lúa giống, vật tư nông nghiệp, thuê công dặm lúa, thu hoạch… Tất cả giá chi phí đều tăng, nhất là giá phân bón tăng gấp đôi so với vụ Đông Xuân năm trước. Thu hoạch khoảng 8 tấn/ha, bán ngay tại ruộng với giá 5.700 đồng/kg và sau khi trừ hết chi phí sản xuất, ông còn được khoảng 5,6 triệu đồng.

Giá lúa không tăng, thậm chí giảm so với vụ mùa trước khiến lợi nhuận của nông dân đạt thấp. Điều này sẽ gây khó khăn rất nhiều cho việc tái đầu tư sản xuất của bà con. Nhưng nhìn lại cũng thấy, có một thực trạng là hiện nay trong thâm canh lúa, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn sử dụng rất nhiều giống, phân bón, hay vấn đề thất thoát trong sử dụng phân bón còn cao.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết để giảm các yếu tố đầu vào trong sản xuất, nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với nhiều đơn vị, địa phương; trong đó, có Công ty cổ phần phân bón Bình Điền triển khai canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long với việc sử dụng phân bón tối ưu.

Mô hình được triển khai trong vụ Đông Xuân 2020-2021 và vụ Hè Thu 2021 cho thấy, việc sử dụng giống chỉ từ 67-85kg/ha, phân bón sử dụng giảm từ 10-30% tùy theo từng địa phương vẫn cho năng suất cao hơn và lợi nhuận tăng đáng kể từ 1-6,6 triệu đồng/ha.

Trong vụ Đông Xuân 2021-2022, mô hình tiếp tục được Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền xây dựng và chuyển giao cho nông dân ở tỉnh Trà Vinh vừa thu hoạch cho năng suất từ 7,3-8,3 tấn/ha, đạt lợi nhuận từ 24-26 triệu đồng. Bởi, nông dân đã sử dụng máy sạ cụm (còn gọi máy sạ khóm), sử dụng phân bón thông minh của công ty kết hợp với phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nên giảm rất nhiều chi phí, công lao động, nhưng năng suất cao hơn 25-30% và lợi nhuận tăng hơn bình quân 6,5 triệu đồng/ha so với ruộng canh tác bình thường.

Nông dân thu hoạch lúa. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

“Như vậy, có thể giảm lượng giống, phân bón để vừa giảm được chi phí, vừa giảm phát thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đây là điều hoàn toàn có thể làm được,” ông Lê Quốc Thanh đánh giá.

Nhưng theo ông Lê Quốc Thanh, việc mở rộng những mô hình tương tự như vậy vẫn còn sự phụ thuộc vào các vùng sinh thái, tập quán, cây trồng… Các mô hình được đưa ra để làm thay đổi thói quen của những nông dân cần có sự minh chứng bằng thực tiễn và thời gian. Trung tâm sẽ tiếp cận mang tính tổng thể hơn với các gói kỹ thuật, giải pháp đồng bộ.

Bên cạnh các mô hình hướng dẫn người dân sản xuất tiết giảm sử dụng vật tư nông nghiệp thì ngành nông nghiệp và nhiều địa phương cũng tăng cường khuyến nghị sử dụng phân bón hữu cơ để thay thế phân bón vô cơ. Đặc biệt, người dân cũng tự sản xuất ra được phân hữu cơ này bằng việc tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp kết hợp với các chế phẩm sinh học. Nông dân sẽ giảm thêm một phần chi phí sản xuất, mà nông sản đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất sạch nên giá trị được nâng cao, đảm bảo thu nhập ổn định.

Hay nhìn vào mô hình lúa-tôm, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá đây là mô hình mang lại giá trị gia tăng cao hơn trong các hệ thống canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Mô hình còn thích nghi với biến đổi khí hậu, nâng giá trị hàng hóa lúa và tôm, đặc biệt còn thích hợp để phát triển hướng đến sản xuất hữu cơ.

Mô hình giải quyết vấn đề mới mang tính chất toàn cầu là sản xuất giảm phát thải, sản phẩm sẽ được xem là sản xuất xanh. Bên cạnh giá trị sản phẩm sẽ có nhiều giá trị khác như không phát thải, giá trị nhân văn của nông dân Đông bằng sông Cửu Long… ông Lê Thanh Tùng cho hay.

Ngoài tiết giảm chi phí trong sản xuất, việc liên kết trong sản xuất đặc biệt là có sự tham gia của doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm cũng sẽ giúp cho nông dân đảm bảo được lợi nhuận trong sản xuất, nhất là trong bối cảnh thị trường ngày càng có nhiều biến động.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang cho biết, từ đầu vụ, ngành nông nghiệp An Giang đã kế hoạch liên kết 115.100ha với 16 doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân vụ Đông Xuân 2021-2022 thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ dân. Vụ Đông Xuân 2021-2022 ở An Giang diện tích tiêu thụ thông qua liên kết tiêu thụ và doanh nghiệp, thương lái thu mua được 200.587ha, với sản lượng 1,5 triệu tấn.

Không chỉ trong sản xuất lúa, thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh ngành nông nghiệp sẽ phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả.

Hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục