Việt Nam hoan nghênh bổ nhiệm các đặc phái viên của LHQ về Tây Sahara

Việt Nam kêu gọi các bên liên quan coi việc bổ nhiệm này là một xung lực mới hỗ trợ tiến trình chính trị và hợp tác chặt chẽ với phái viên riêng và đại diện đặc biệt nhằm nối lại đối thoại.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 13/10 đã thảo luận về tình hình Tây Sahara thời gian gần đây, với sự tham dự của Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về châu Phi Martha Ama Akyaa Pobee và Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Tây Sahara, Trưởng Phái bộ Liên hợp quốc tại Tây Sahara (MINURSO) Alexander Ivanko.

Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, hoan nghênh việc bổ nhiệm ông Staffan de Mistura làm Phái viên riêng của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Tây Sahara và ông Alexander Ivanko làm Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Tây Sahara, Trưởng phái bộ MINURSO.

Việt Nam kêu gọi các bên liên quan coi việc bổ nhiệm này là một xung lực mới hỗ trợ tiến trình chính trị và hợp tác chặt chẽ với phái viên riêng và đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhằm nối lại đối thoại, chấm dứt xung đột.

[Việt Nam kêu gọi các bên xung đột ở Tây Sahara sớm quay lại đàm phán]

Đại diện Việt Nam nhắc lại lập trường nguyên tắc của Việt Nam là ủng hộ giải quyết vấn đề Tây Sahara thông qua các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên trực tiếp liên quan, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan đã có từ lâu của Hội đồng Bảo an.

Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm một giải pháp công bằng, lâu dài và chấp nhận được với các bên, trong đó bảo đảm quyền tự quyết của người dân Tây Sahara, phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc vì hoà bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Lâu nay, cả Maroc và Mặt trận Polisario đều tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Tây Sahara, với diện tích 226.000 km2.

Vấn đề Tây Sahara được đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần đầu tiên vào năm 1975 với Nghị quyết 377 (ngày 18/10/1975) yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc tham vấn với các bên liên quan về tình hình Tây Sahara.

Năm 1991, Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 690 về kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân để nhân dân Tây Sahara tự quyết định độc lập hay sáp nhập vào lãnh thổ Maroc và thành lập Phái bộ Liên hợp quốc tại Tây Sahara (MINURSO)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục