Việt Nam-Hoa Kỳ còn nhiều dư địa hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển công nghiệp phát thải thấp cân bằng lợi ích kinh tế và môi trường sống.
Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo Việt Nam-Hoa Kỳ hướng tới mục tiêu NetZero: Lộ trình phát triển công nghiệp bền vững do Thương vụ Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Saigon Tel tổ chức ngày 14/1 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định Việt Nam đã nổi lên như một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu ở Đông Nam Á, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào chính sách tập trung xây dựng nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Bên cạnh đó, lĩnh vực logistics của Việt Nam cũng đang không ngừng phát triển.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để đạt mức phát thải ròng bằng không (NetZero) vào năm 2050, nhưng ngành sản xuất công nghiệp vẫn là nguồn phát thải đáng kể.
Theo bà Susan Burns, các mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon đòi hỏi việc cắt giảm carbon từ ngành công nghiệp.
Ngoài ra, các yêu cầu từ thị trường quốc tế và các hiệp định thương mại đang ngày càng gia tăng nhu cầu về các chứng nhận xanh nhằm giảm thiểu tác động môi trường của chuỗi cung ứng sản xuất.
Trước những yếu tố này, Việt Nam cần tìm kiếm các giải pháp để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và các yếu tố môi trường khác trong các ngành công nghiệp quan trọng.
“Khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, lãnh đạo cấp cao Việt Nam-Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư như là những nền tảng cốt lõi và nguồn động lực trong quan hệ song phương.
Hai bên cũng nêu bật sự cần thiết của hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường và khí hậu. Để hỗ trợ Việt Nam hướng tới mục tiêu NetZero, Hoa Kỳ có thể giới thiệu các nguồn lực từ cả khu vực công và tư của mình, chia sẻ các sáng kiến về hiệu quả năng lượng, quản lý nước, và quy trình công nghệ.
Thông qua các giải pháp đó, ngành công nghiệp Việt Nam có thể sử dụng ít tài nguyên hơn để sản xuất cùng một sản lượng hàng hoá; đồng thời đo lường và quản lý phát thải carbon, cải thiện cơ hội thị trường và vị thế cạnh tranh,” bà Susan Burns chia sẻ.
Thông tin về xu hướng phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam, ông Phạm Minh Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những năm gần đây, để đón đầu dòng đầu tư dịch chuyển, các khu công nghiệp, khu kinh tế không ngừng được hoàn thiện hạ tầng, bổ sung thêm quỹ đất công nghiệp trên cả nước.
Tính đến cuối năm 2024, cả nước đã có 453 khu công nghiệp đã thành lập; trong đó có 304 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63.700ha.
Khu công nghiệp và khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm, thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang trở thành xu hướng được lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới, áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng, việc xanh hóa các khu công nghiệp, khu kinh tế để đón dòng vốn đầu tư xanh là yêu cầu bắt buộc.
Ông Phạm Minh Hưng cho rằng khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, đặc biệt gắn với các tiêu chí ESG theo yêu cầu của các chuỗi ngành hàng.
Sự phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi kép đến mọi mặt của nền kinh tế, sự gia tăng cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho Việt Nam phát triển bứt phá; đặc biệt trong thu hút đầu tư và tham gia chuỗi giá trị của những ngành công nghiệp mới như năng lượng xanh, công nghiệp bán dẫn.
Phát triển công nghiệp bền vững và xây dựng các khu công nghiệp xanh không chỉ là mục tiêu phát triển kinh tế mà còn là cam kết với tương lai của các thế hệ sau.
Với mục tiêu trở thành một quốc gia đi đầu trong khu vực về phát triển công nghiệp bền vững, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác trong việc cung cấp các nguồn lực và giải pháp để sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, góp phần giảm thiểu dấu chân carbon, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, thân thiện với môi trường.
Ông Arun Venkataraman, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ, nêu góc nhìn: Hoa Kỳ và Việt nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng tại khu vực Thái Bình Dương. Chính phủ Việt Nam cũng xác định rõ các mục tiêu chiến lược cho phát triển xanh.
Mặc dù vậy, Việt Nam mới có bảy trong tổng số hơn 400 khu công nghiệp được xác định là khu công nghiệp sinh thái và hơn 500 công trình được chứng nhận công trình xanh.
Điều này cho thấy Việt Nam còn rất nhiều dư địa để chuyển đổi năng lượng và sản xuất xanh. Với kinh nghiệp và nguồn lực của mình, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể cung cấp nhiều giải pháp công nghệ để hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phát thải thấp vì môi trường sạch hơn, bền vững hơn, góp phần hoàn thành mục tiêu NetZero vào năm 2050.
Trong khi đó, ông Harry Hughes, Phó Chủ tịch hội đồng tư vấn chiến lược SaigonTel nhấn mạnh: Phát triển các khu công nghiệp sinh thái là khái niệm ngày càng được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà là xu hướng toàn cầu. Việt Nam đang có những bước đi táo bạo trong việc hướng đến mục tiêu trung hoà carbon không chỉ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường mà còn để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của nền kinh tế.
“Cân bằng hiệu quả sản xuất công nghiệp và xanh hoá nền kinh tế là mục tiêu không dễ dàng, chi phí đầu tư ban đầu có thể là rào cản nhưng các mắt xích trong chuỗi phải xác định phát triển bền vững là vấn đề sống còn để phối hợp triển khai một cách đồng bộ; trong đó, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi, phân phối năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Về phía địa phương, tập trung phát triển hạ tầng các khu công nghiệp sinh thái để đón các dòng đầu tư xanh. Cộng đồng doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn các giải pháp, công nghệ phát thải thấp, ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào sản xuất, kinh doanh và thương mại,” ông Harry Hughes đề xuất giải pháp./.
Giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng: Cần một chiến lược xanh toàn diện
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian tới, Chính phủ và doanh nghiệp cần phối hợp xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, từ đó khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng bền vững hơn.