Việt Nam-Hàn Quốc tăng cường quan hệ hợp tác, thúc đẩy chuyển đổi số

Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ truyền cảm hứng đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ TT&TT Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. (Nguồn: vnmedia)

Trong khuôn khổ các sự kiện Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam (VIDW2022) diễn ra từ ngày 11-14/10, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin Hàn Quốc (MSIT) đã tổ chức Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam-Hàn Quốc với chủ đề “Chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp và sản xuất thông minh” vào ngày 12/10.

Ông Park Yun Kyu, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin Hàn Quốc (MIST) chia sẻ, kỹ thuật số giờ đã trở thành thời đại của cách mạng số, nền tảng quan trọng của mọi cải tiến đổi mới. Kỹ thuật số là yếu tố then chốt trong đổi mới sáng tạo mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, đến xã hội, văn hóa.

Ông Park Yun Kyu cho biết, ngày 28/9, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố Chiến lược số hóa Hàn Quốc. Đây là kế hoạch tổng thể cấp quốc gia nhằm hiện thực hóa các giá trị nhân văn cơ bản bằng kỹ thuật số.

Với tầm nhìn trở thành một cường quốc về kỹ thuật số, Hàn Quốc đặt ra các kế hoạch mạnh mẽ để đảm bảo khả năng kỹ thuật số tốt nhất thế giới trong các ngành kỹ thuật số quan trọng như dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), đám mây (cloud), phần mềm, cơ sở hạ tầng mạng.

[Việt Nam-Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác chuyển đổi số, xây dựng xã hội số]

Hàn Quốc đặt mục tiêu đổi mới toàn diện nền kinh tế bằng cách lan tỏa sự hội tụ số trong tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản đến các ngành dịch vụ như văn hóa, hậu cần, công nghệ sinh học và các ngành sản xuất.

Đồng thời, Hàn Quốc sẽ tạo ra một xã hội số cho mọi công dân, trong đó sự an toàn của người dân được bảo đảm mọi lúc, mọi nơi bằng công nghệ số; tiến tới một chính phủ số không chỉ cải thiện sự tiện lợi cuộc sống người dân thông qua kỹ thuật số mà còn hiện thực hóa các chính sách phúc lợi qua kỹ thuật số và dân chủ kỹ thuật số.

Thứ trưởng Park Yun Kyu cũng cho biết, Hàn Quốc dự định tạo ra một nền văn hóa đổi mới số, khuyến khích sự tự do của người dân đối với việc thử thách đổi mới sáng tạo bản thân. Đồng thời, để chuẩn bị cho một trật tự kinh tế xã hội số mới, Hàn Quốc dự kiến ban hành 5 luật cơ bản của nền kinh tế số.

Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc với năng lực và bề dày kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi số sẽ truyền cảm hứng đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.

Hiện nay, chuyển đổi số là một trong những giải pháp chiến lược đột phá của Chính phủ Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số. Người đứng đầu của 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam cũng là người đứng đầu Ủy ban chuyển đổi số tại các địa phương. Điều này nói lên sự quan tâm của lãnh đạo Việt Nam đối với công cuộc chuyển đổi số.

Một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số của Việt Nam là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên các nền tảng số và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ số, đặc biệt là các công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, nền tảng số để cải thiện năng suất, hiệu quả hoạt động.

Công nghệ số, chuyển đổi số giúp cải cách hành chính, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ công dễ dàng, thuận tiện hơn, chính quyền gần gũi với người dân. Đó là mục tiêu cơ bản của quá trình chuyển đổi số Việt Nam.

Tại sự kiện, các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam và Hàn Quốc đã chia sẻ các giải pháp chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp sản xuất.

Công ty Viettel VHT giới thiệu về giải pháp chuyển đổi số cho các ngành sản xuất; Tập đoàn LG trình bày về chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất điện tử của Tập đoàn. Ngoài ra, tại Diễn đàn còn có những bài tham luận về vật liệu bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, nội thất số.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục