Việt Nam-Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác ở lĩnh vực truyện tranh trực tuyến

Cơ quan KOCCA Hàn Quốc - quốc gia với các webtoon chuyển thể phim truyền hình nổi tiếng trên Netflix - bày tỏ sự quan tâm tiếp cận các ý tưởng gốc cũng như thị trường Việt Nam đầy tiềm năng.
''Ngôi trường xác sống'' (All of us are dead) - webtoon nổi tiếng của Hàn Quốc được chuyển thể thành công sang dạng phim dài tập, được Netflix sản xuất và phát sóng độc quyền. (Ảnh tổng hợp)

Hàn Quốc rất quan tâm đến thị thường webtoon, hoạt hình của Việt Nam. Đây là thông tin được Cơ quan Sáng tạo nội dung Hàn Quốc (KOCCA) khẳng định trong hoạt động kết nối doanh nghiệp - Hội thảo biz-matching trực tuyến 2023 lần thứ 2.

Hội thảo này kéo dài trong hai ngày 8-9/8 vừa qua, do chi nhánh của KOCCA tại Việt Nam tổ chức, nhằm tạo kết nối, hỗ trợ hợp tác nội dung Việt-Hàn, giúp các doanh nghiệp của nước này tiến vào thị trường Việt Nam.

[Việt Nam, Hàn Quốc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sản xuất nội dung]

Webtoon là thể loại truyện tranh mạng, được phát hành trực tuyến trên internet. Hàn Quốc được coi là cái nôi của thể loại webtoon, đến nay đã đạt mức độ phát triển rất mạnh mẽ. Một số webtoon nổi tiếng đã được chuyển thể sang phim truyền hình và gây nhiều chú ý, có thể kể đến như "All of us are dead" (Ngôi trường xác sống, 2022) hay "Hell bound" (Bản án từ địa ngục, 2021), "Sweet home" (Thế giới ma quái, 2020) đều được Netflix sản xuất hoặc được khán giả quốc tế đón xem nhiều trên nền tảng này.

Giới chuyên môn đều công nhận đây là các IP (ý tưởng gốc) được đánh giá cao.

KOCCA thực hiện hội thảo trực tuyến. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vì vậy thông qua B2B (hợp tác trực tiếp giữa các doanh nghiệp) tại hội thảo trực tuyến này, hai nước chủ yếu thảo luận về trao đổi webtoon, hợp tác sản xuất và mua bán IP. "Tại Việt Nam, webtoon mới đang ở giai đoạn khởi đầu. Vì vậy, phía Hàn Quốc bày tỏ sự quan tâm lớn đến thị trường này," người đại diện ban tổ chức sự kiện cho biết.

Giám đốc Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc KOCCA Việt Nam - ông Hong Jeong Yong chia sẻ thêm: "Để giúp đỡ một cách thực chất nhất cho những nhà sản xuất Nội dung Hàn Quốc, chúng tôi phải mở rộng mạng lưới người mua tại Việt Nam và liên tục nỗ lực để sau này có thể giúp đỡ các doanh nghiệp nội dung ở cả hai nước hoạt động khi đầu tư vào Việt Nam."

[Hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc]

Tập trung ở lĩnh vực webtoon, phim hoạt hình, hội thảo lần này đã thu hút được 23 doanh nghiệp từ hai nước tham dự và tiến hành tư vấn kinh doanh.

Người sáng tạo nội dung nói chung và giới làm phim Việt Nam nói riêng cũng đặc biệt quan tâm đến thể loại này. Đạo diễn loạt phim đình đám "Để Mai tính," "Em chưa 18" Charlie Nguyễn cũng đánh giá cao tầm ảnh hưởng của K-webtoon (webtoon Hàn Quốc) lên thị trường Việt Nam cũng như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác khác như Malaysia, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc). Ông cũng bày tỏ kỳ vọng hai nước sẽ có nhiều hơn những hợp tác cần thiết, quan trọng.

Người đứng đầu KOCCA đánh giá cao các ý tưởng gốc tại thị trường Việt Nam, nhờ có bề dày về văn hóa, lịch sử. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong tháng Chín tới đây, KOCCA sẽ tiếp tục triển khai hội thảo kết nối doanh nghiệp tương tự với Việt Nam. Lần này là trong lĩnh vực game (trò chơi điện tử) và nhân vật giả tưởng, nhân vật sáng tạo.

Phía Hàn Quốc sẽ có sự tham gia của các nhà phát triển và phân phối game. Phía Việt Nam cũng sẽ có những công ty chuyên phân phối, quan tâm đến các vấn đề liên quan cùng góp mặt.

Trước đó vào tháng Năm vừa qua, KOCCA Việt Nam đã thực hiện hội thảo biz-matching lần 1 về lĩnh vực sáng tạo nội dung nói chung. Sự kiện thu hút trên 40 doanh nghiệp từ hai nước, giúp tái khởi động hợp tác sau thời gian dài giãn cách vì đại dịch COVID-19./.

Giám đốc KOCCA Hong Jeong Yong đánh giá cao những giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Ông khẳng định đây là nền tảng để tạo ra nội dung phong phú, thú vị cho công nghiệp văn hóa. Ngoài ra ông Hong cũng nhìn nhận Việt Nam có lợi thế nhờ nền kinh tế phát triển nhanh và cơ ở hạ tầng được đầu tư về mặt công nghệ.

Chia sẻ với báo chí, chuyên gia người Hàn Quốc cho rằng Chính phủ Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn, mang tính khích lệ các nhà sáng tạo, bảo vệ quyền tác giả, bản quyền tác phẩm... để có thể thực hiện được mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% cho GDP.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục