Việt Nam-Hà Lan tập trung hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu, Chuyển đổi Xanh

Đại sứ Kees van Baar khẳng định hợp tác Việt Nam-Hà Lan sẽ có sự tập trung hơn vào các lĩnh vực như chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Năm 2023 là năm quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Hà Lan, đánh dấu chặng đường phát triển 50 năm hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nhân dịp năm mới và Tết nguyên đán 2024, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar đã trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam về quan hệ giữa hai nước trong 50 năm qua cũng như triển vọng hợp tác song phương trong thời gian tới, đặc biệt trong những lĩnh vực mà Hà Lan có thế mạnh như chuyển đổi xanh và công nghệ cao.

Theo Đại sứ Kees van Baar, hai nước có quan hệ sâu sắc trong nhiều lĩnh vực và mối quan hệ này vẫn đang tiếp tục phát triển.

Hà Lan và Việt Nam đã hỗ trợ lẫn nhau trong cả những lúc thuận lợi lẫn khó khăn và trở thành đối tác tin cậy của nhau.

Vào lúc xuất phát điểm 50 năm trước, Hà Lan là đối tác phát triển của Việt Nam, nhưng hiện nay, Hà Lan là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu.

“Tôi tin rằng hai nước chúng ta vẫn sẽ tiếp tục đi trên cùng một con đường trong 50 năm tới. Nhưng giờ đây, sẽ có sự tập trung hơn vào các lĩnh vực như chuyển đổi xanh trong nền kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo,” Đại sứ Kees van Baar khẳng định.

Ông Kees van Baar cho rằng ngoài điểm chính nói trên, một lĩnh vực khác, như Thủ tướng hai nước từng đề cập, là hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao. Lĩnh vực này cũng sẽ giúp hai nước phát triển ngành xe điện và chuyển đổi xanh.

“Có sự tương đồng là Việt Nam mong muốn thu hút các doanh nghiệp Hà Lan, trong khi các doanh nghiệp Hà Lan cũng thích Việt Nam. Hai bên đồng thời cũng hợp tác tốt. Nhiều doanh nghiệp do Hà Lan đầu tư sản xuất các sản phẩm cho thị trường Việt Nam như Heineken, FrieslandCampina và Damen Shipyards. Họ khác với những doanh nghiệp chỉ đơn thuần nhập khẩu, lắp ráp và xuất khẩu sản phẩm,” Đại sứ Kees van Baar nhận xét.

Đánh giá về hỗ trợ của Hà Lan và những nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Đại sứ Kees van Baar cho rằng sự hợp tác của Hà Lan với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một minh chứng quan trọng.

“Một phái đoàn Việt Nam đã đến Hà Lan vào tháng 6/2023. Đó là một chuyến thăm hữu ích mà trong đó hai bên đã thảo luận về việc làm thế nào để phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất này đang phải đối mặt với một số thách thức như sụt lún và xâm nhập mặn, đây cũng là những vấn đề mà Hà Lan gặp phải,” ông Kees van Baar nói.

Theo Đại sứ, khi bàn đến những thách thức về khí hậu thì cần phải xem xét nơi nào cần triển khai thích ứng và nơi nào cần giảm thiểu các tác động.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể thực hiện biện pháp như chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản hoặc trồng cây ăn quả, hoặc trồng các loại lúa chịu được nước lợ.

“Thủ tướng Việt Nam đã có những phát biểu tuyệt vời tại COP26 (Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu) cũng như COP28 tại Dubai,” Đại sứ Kees van Baar nói và nhấn mạnh Hà Lan luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để triển khai những kế hoạch được đặt ra.

Đánh giá về kết quả phục hồi kinh tế sau đại dịch của Việt Nam trong năm 2023, Đại sứ Kees van Baar đánh giá cao Việt Nam đã làm rất tốt và rất đáng được ngợi ca ở khía cạnh này.

“Tôi thấy việc cần làm lúc này, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập, là đầu tư vào hạ tầng công cộng, các nhà máy điện, năng lượng tái tạo, cũng như hệ thống đường bộ và cảng. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển và còn có thể phát triển hơn nữa,” Đại sứ nói và gợi ý thêm rằng Chính phủ cần thúc đẩy đầu tư công vào hạ tầng cùng với sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua đối tác công-tư.

Đại sứ Kees van Baar cho rằng Việt Nam có thể thu hút thêm doanh nghiệp và nhà đầu tư. Một điều rất quan trọng là Việt Nam cần đẩy mạnh “cơ chế một cửa” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nếu làm được như vậy, Việt Nam sẽ trở thành một thị trường hấp dẫn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Chia sẻ cảm nhận của mình với phóng viên TTXVN về năm mới, Đại sứ Kees van Baar nhấn mạnh 2024 là năm con rồng, mà khi nói tới rồng người ta thường liên tưởng tới thịnh vượng và sức mạnh.

“Nói đến thịnh vượng, tôi nghĩ Việt Nam có đầy đủ yếu tố để trở thành một quốc gia thịnh vượng ngay cả khi nhu cầu thị trường thế giới đi xuống. Việt Nam có thể thu hút nhiều vốn đầu tư vì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp không muốn phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất trong sản xuất hàng hóa. Đó là những gì chúng ta đã thấy trong đại dịch. Nếu việc sản xuất tập trung ở một quốc gia và quốc gia đó thực hiện phong tỏa, doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề. Vì vậy, doanh nghiệp phải phân tán rủi ro,” Đại sứ Kees van Baar khẳng định.

“Việt Nam có thể hưởng lợi từ điều đó vì đất nước các bạn đã cho thế giới thấy mình xử lý cuộc khủng hoảng COVID-19 và phục hồi sau đại dịch tốt như thế nào. Việt Nam đã có những biện pháp đúng đắn,” Đại sứ Kees van Baar nhận xét.

Nhân dịp năm mới, Đại sứ Kees van Baar gửi lời chúc tới độc giả của Thông tấn xã Việt Nam một cái Tết vui vẻ, một khởi đầu tốt đẹp cho một năm Thìn thịnh vượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục