Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Adidas, Nike

Adidas và Nike là 2 “người khổng lồ” của thế giới về mặt hàng giày thể thao và đều đã lựa chọn Việt Nam là một trung tâm sản xuất chính cho chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhãn hàng này.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai phát biểu tại Hội thảo. (Nguồn TTXVN phát).

Liên đoàn Ngành hàng Thể thao Thế giới (WSGI) đã phối hợp với Phái đoàn Việt Nam tại Geneva (Thụy Sĩ) tổ chức Hội thảo “Hành động của Ngành hàng Thể thao: Hướng tới một Tương lai Bền vững," với sự tham gia của đại diện các nhãn hàng thể thao nổi tiếng gồm Adidas, Puma và Decathlon.

Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Diễn đàn Công chúng năm 2023 từ ngày 12-17/9 tại trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với chủ đề chung là Hành động Khẩn cấp vì sự Phát triển Bền vững, Tập trung vào Khía cạnh Thương mại và Môi trường.

Ông Stefan Seidel - Trưởng Ban Phát triển Bền vững của Puma, chia sẻ về các nỗ lực của Puma trên thế giới vì mục tiêu môi trường; trong đó sự phối hợp chặt chẽ giữa Puma với các nhà cung ứng tại Việt Nam là một tấm gương hàng đầu.

Cụ thể, Puma đã khuyến khích, hướng dẫn và hỗ trợ các nhà máy tại Việt Nam thực hiện việc chuyển đổi năng lượng sang Điện Mặt trời (Chương trình Tấm lợp Năng lượng Mặt trời), Điện khí biomass, tái sử dụng nước tản nhiệt cho các công đoạn nhuộm và giặt vải, thực hiện Chương trình Cải thiện Quản trị Hóa chất …

Adidas và Nike là 2 “người khổng lồ” của thế giới về mặt hàng giày thể thao và đều đã lựa chọn Việt Nam là một trung tâm sản xuất chính cho chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhãn hàng này.

Báo cáo năm 2020 của Adidas cho thấy 98% sản xuất tập trung ở khu vực châu Á, trong đó Việt Nam chiếm tới 40%.

Ông Diego Antončić - Quản lý Cấp cao về Quan hệ Chính phủ của Adidas, cho rằng trong bối cảnh thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng thể thao là các nước phát triển như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ… ngày càng tăng coi trọng và thắt chặt Quy định về Môi trường, Trách nhiệm Xã hội và Quản trị (ESG), Adidas đã và tiếp tục phải phối hợp chặt chẽ hơn với các nhà cung ứng của mình ở các khu vực trọng yếu trên tất cả các phương diện để đảm bảo tuân thủ.

Sự bền vững không còn là khuyến nghị của nhãn hàng đối với các nhà cung ứng mà có thể coi như bắt buộc vì Adidas sẽ phải lựa chọn và chỉ duy trì quan hệ hợp tác với nhà cung ứng trên các tiêu chí đó.

[Adidas và Puma đặt cược vào giày thể thao “terrace” để vượt khó]

Trong khi đó, giới thiệu về Decathlon, ông Bertrand Tison, Quan chức Phụ trách Quan hệ Công chúng ở châu Âu của Decathlon, cho biết họ là một công ty gia đình được thành lập năm 1976 tại Pháp, chuyên bán lẻ các mặt hàng thể thao và đã phát triển một mạng lưới 1747 cửa hàng có mặt tại 72 quốc gia trên thế giới, với tổng doanh thu 15,4 tỷ euro năm 2022 và 110.000 nhân viên. Việt Nam là cơ sở sản xuất lớn thứ 2 trên thế giới của Decathlon với 130 nhà máy đối tác và 7 cửa hàng bán lẻ, 400 nhân viên.

Là một Công ty Toàn cầu với ý thức trách nhiệm xã hội và môi trường sâu sắc, đồng thời để đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, nhất là EU, Decathlon có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở cung ứng, đặc biệt là Việt Nam để giảm “dấu vết” phát thải carbon, chống Biến đổi Khí hậu.

Tại Hội thảo, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Lê Thị Tuyết Mai đã chia sẻ sự coi trọng của Việt Nam dành cho ngành Hàng thể thao. Các mặt hàng thể thao chiếm một tỷ trọng lớn trong 2 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực, dệt may và da giày, của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Việt Nam tự hào đã trở thành một cơ sở sản xuất quan trọng của các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới dựa trên nhiều lợi thế đáng kể như nguồn nhân lực dồi dào, siêng năng và tiếp thu nhanh công nghệ, kỹ năng mới; mức độ hội nhập kinh tế quốc tế sâu sắc thông qua hệ thống thương mại đa phương và mạng lưới thương mại ưu đãi ngày càng rộng mở, đặc biệt là các Hiệp định Thương mại Thế hệ Mới (EVFTA và CPTPP)... Việt Nam đang nỗ lực đóng góp vào chuyển dịch chung của toàn thế giới hướng tới sự phát triển bền vững thông qua việc thực thi Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, Tầm nhìn 2050.

Liên quan đến ngành Hàng thể thao, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2035, ngành dệt may và da giầy Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Các giải pháp chính sách đặt ra để đáp ứng mục tiêu này sẽ thúc đẩy sản xuất tại Việt Nam bước lên một tầm cao mới, từ “Made in Viet Nam” thành “”Made by Viet Nam” và đảm bảo khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu thụ về tính bền vững, tuần hoàn của các sản phẩm xuất khẩu.

Hội thảo đã dành được sự quan tâm cao của đại diện các Thành viên WTO và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội và khu vực học thuật. Trong phần hỏi đáp, các diễn giả đã không ngừng phải trả lời nhiều câu hỏi và đồng thời tích cực chia sẻ thông tin chuyên sâu trong ngành rất thú vị.

Chẳng hạn, đối với câu hỏi của khán giả về việc dán nhãn sinh thái, đại diện các nhãn hàng cho rằng khác với mặt hàng thực phẩm (sản phẩm bio so với không bio với mức giá khác nhau), việc áp dụng các Tiêu chuẩn ESG sẽ là phổ biến cho tất cả sản phẩm hàng thể thao, không phân biệt sản phẩm có nhãn hay không có nhãn để đặt ra các mức giá khác nhau; một mặt để giải quyết vấn đề quảng cáo xanh (greenwashing), mặt khác để thực hiện trách nhiệm xã hội của các nhãn hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục