Việt Nam gia nhập “tam giác vàng khởi nghiệp” ở Đông Nam Á

Trong 9 tháng đầu năm 2022, chỉ tính riêng các công ty khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã thu hút khoảng 500 triệu USD vốn đầu tư, mức đầu tư của mỗi giao dịch cũng cao hơn năm trước.
Sản xuất hàng may mặc tại Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Báo Liên hợp buổi sáng ở Hong Kong (Trung Quốc) vừa đăng bài phân tích dựa vào các lợi thế như thị trường trong nước mạnh mẽ và nguồn nhân lực khoa học công nghệ dồi dào, các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam đã phát triển nhanh trong những năm gần đây, cùng với Indonesia và Singapore trở thành trụ cột thứ 3 của “tam giác vàng khởi nghiệp” ở Đông Nam Á.

Bài viết dẫn phát biểu tại Diễn đàn đầu tư khởi nghiệp vào tháng 12/2022 của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng cho biết những năm gần đây, ngày càng nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hướng đến các công ty khởi nghiệp của Việt Nam.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, chỉ tính riêng các công ty khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã thu hút khoảng 500 triệu USD vốn đầu tư, mức đầu tư của mỗi giao dịch cũng cao hơn năm trước. Trong 2 năm qua, các công ty khởi nghiệp đã thu hút gần 2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, cho thấy “các công ty khởi nghiệp của Việt Nam ngày càng có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế và khu vực.”

Trong năm 2021, các công ty khởi nghiệp của Việt Nam đã huy động được 1,4 tỷ USD vốn đầu tư, cao hơn 56% so với mức 894 triệu USD của năm 2019.

Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam ước tính năng lực thu hút vốn của các công ty khởi nghiệp Việt Nam sẽ duy trì xu hướng tăng trong năm 2023. Theo các phương tiện truyền thông, đã có 39 quỹ đầu tư cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025, đưa tổng đầu tư của các công ty khởi nghiệp Việt Nam lên 5 tỷ USD trong giai đoạn này.

Theo Vinnie Lauria, nhà đồng sáng lập Golden Gate Ventures, trong 10 năm đầu của hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á, Singapore và Indonesia là động lực tăng trưởng dẫn dắt khu vực. Đến năm 2022, Việt Nam đã trở thành trụ cột thứ 3 của “tam giác vàng khởi nghiệp”, mang đến sự kết hợp thành công giữa tài năng công nghệ hàng đầu, văn hóa khởi nghiệp vốn có của Việt Nam cũng như thị trường trong nước phát triển nhanh chóng.

Ông Lưu Căn Bình, đối tác đầu tư của Quỹ Vertex Ventures SEA & India cũng đánh giá tích cực về triển vọng phát triển của Việt Nam trong những năm tới, cho rằng “hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt nam có sức mạnh bùng nổ rất lớn”.

Bên cạnh lợi thế nguồn dự trữ tài năng công nghệ dồi dào và ý thức khởi nghiệp của cá nhân mạnh mẽ thì những yếu tố như chính trị trong nước ổn định, có lực lượng lao động trẻ tuổi và trình độ học vấn cao, cơ sở hạ tầng đang trong quá trình phát triển, kỹ năng số và năng lực đổi mới sáng tạo, cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam… đều tạo ra môi trường sinh thái có lợi cho các công ty khởi nghiệp của Việt Nam.

[Việt Nam nổi lên như trung tâm sản xuất mới, FDI có thể đạt 38 tỷ USD]

Bài viết dẫn nhận định của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên viên nghiên cứu cao cấp kiêm Giám đốc Dự án nghiên cứu Việt Nam của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak), trụ sở tại Singapore, đặc biệt đánh giá cao các công ty khởi nghiệp của Việt Nam liên quan lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), thương mại điện tử và công nghệ giáo dục, cho rằng những công ty này sẽ thu hút đầu tư nước ngoài bền vững nhất.

Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ các công ty khởi nghiệp nhưng vẫn cần phải cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và khung pháp lý để hạ thấp rủi ro đối với các công ty khởi nghiệp, đồng thời khuyến khích các tài năng công nghệ thành lập công ty ở địa phương.

Trong khi đó, ông Lưu Căn Bình cho rằng phải đợi đến khi hệ sinh thái công ty khởi nghiệp trong nước phát triển chín muồi hơn, đủ để mở rộng tầm nhìn ra thị trường khu vực thì Việt Nam mới có thể vượt qua Indonesia hoặc Singapore, trở thành thủ lĩnh của “tam giác vàng khởi nghiệp”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục