Việt Nam gia nhập ASEAN: Đột phá đầu tiên trong tiến trình hội nhập

Việt Nam gia nhập ASEAN là điểm đột phá đầu tiên trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần triển khai phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại mà Đảng đề ra.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 28/7/2015 là ngày tròn 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Nhân dịp này Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn báo chí.

​VietnamPlus xin giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

- Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của quyết định Việt Nam gia nhập ASEAN cách đây 20 năm? Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng gì cho thành công của ASEAN trong 20 năm qua?


Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh:
Thứ nhất, quyết định gia nhập ASEAN là một bước đi chiến lược đúng đắn và sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, vì nó đã mang lại cho Việt Nam những lợi ích quan trọng và thiết thực, mà bao trùm là tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việt Nam gia nhập ASEAN đánh dấu mốc quan trọng và là điểm đột phá đầu tiên trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần triển khai phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ VII đã đề ra.

Đồng thời, kết quả Việt Nam tham gia ASEAN thời gian qua cũng định hình và là cơ sở cho quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Việt Nam, đó chính là tư duy về hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện.

Thứ hai, so với nhiều nước thành viên ASEAN, Việt Nam ở một chừng mực vẫn đứng sau về trình độ phát triển. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hào về những đóng góp ngày càng quan trọng của Việt Nam trong suốt 20 năm qua cho Hiệp hội.

Ngay sau khi gia nhập ASEAN, chúng ta đã tích cực thúc đẩy ASEAN kết nạp các nước Campuchia, Lào và Myanmar mặc dù phải đối mặt với không ít lực cản. Việt Nam đã trở thành cây cầu nối Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo, để đến năm 1999, giấc mơ về một đại gia đình ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên đã trở thành hiện thực.

Về mặt chiến lược, việc cùng các nước thành viên chủ động “lái” ASEAN đi đúng hướng là đóng góp lớn nhất của Việt Nam. Ở đây có thể kể đến dấu ấn Việt Nam trong các văn kiện mang tính chiến lược của Hiệp hội như Tầm nhìn 2020, Tuyên bố hòa hợp ASEAN II, Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015). Hiện nay, chúng ta đang tích cực tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, với mục tiêu làm cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn, hoạt động trên cơ sở pháp luật và lấy người dân làm trung tâm.

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, chỉ ba năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12/1998) với những kết quả quan trọng, trong đó có Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần định hướng phát triển của Hiệp hội, giúp ASEAN vượt qua khủng hoảng tài chính khu vực khi đó. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 với những kết quả thực chất, góp phần thúc đẩy “văn hóa thực thi” và cụ thể hóa một bước quan trọng mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Hiệp hội.

Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng mặc dù là “người đến sau,” trình độ phát triển còn thấp, song Việt Nam lại nằm trong nhóm nước đi đầu về việc thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đạt tỷ lệ ấn tượng 93,5% so với mức trung bình 90,5% của các nước ASEAN. Chúng ta cũng tham gia đầy đủ và sâu rộng vào các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị- an ninh, văn hóa- xã hội và quan hệ đối ngoại.

Đặc biệt, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mở rộng và thể chế hóa khuôn khổ quan hệ của ASEAN với các nước lớn và các đối tác quan trọng. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam, quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), vận động để đại diện cho ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc và Canada thể hiện Việt Nam có tầm nhìn chiến lược vượt ra ngoài khu vực.

Có thể nói, Việt Nam đã cùng ASEAN chứng minh rằng tương lai của khu vực sẽ được định hình tốt hơn bằng con đường hội nhập, đối thoại và hợp tác.

- Dự kiến Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành cuối năm 2015. Vậy Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào nhằm tranh thủ cơ hội cũng như vượt qua thách thức khi Cộng đồng ASEAN được hình thành?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Trước hết, mục tiêu và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 đã được thông qua và triển khai từ đầu năm 2009. Như vậy, việc hình thành Cộng đồng ASEAN dự kiến vào cuối năm nay không phải là một sự kiện đơn lẻ, mà là một tiến trình, và Việt Nam đã tham gia tích cực và có những đóng góp quan trọng vào tiến trình đó.

Ngay từ khi ASEAN đề ra mục tiêu xây dựng Cộng đồng, chúng ta đã chuẩn bị từ rất sớm, với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đã đề ra các mục tiêu, phương hướng, biện pháp và bước đi phù hợp để tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức trong tiến trình tham gia hội nhập ASEAN.

Chính vì vậy, như tôi đã nói, Việt Nam hiện đi đầu về việc thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đạt tỷ lệ ấn tượng 93,5% so với mức trung bình 90,5% của các nước ASEAN. Chúng ta cũng tham gia đầy đủ và sâu rộng vào các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị-an ninh, văn hóa-xã hội và quan hệ đối ngoại.

Hội nhập ASEAN là một bộ phận quan trọng và được lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch hành động triển khai chủ trương hội nhập khu vực và quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Theo đó, chúng ta đã tích cực thực hiện nhiều chương trình hành động quốc gia nhằm nâng cao năng lực của đất nước về chính trị - đối ngoại, an ninh quốc phòng, kinh tế và văn hóa-xã hội.

Trong quá trình thực hiện, chúng ta luôn chú trọng việc lồng ghép các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào các chương trình hành động quốc gia cũng như hội nhập quốc tế. Chúng ta đã thường xuyên rà soát những các cam kết, thỏa thuận hợp tác của ASEAN và tình hình triển khai để kịp thời điều chỉnh chính sách và biện pháp cho phù hợp, kể cả điều chỉnh luật lệ và quy định trong nước cho phù hợp với những cam kết quốc tế, tạo thuận lợi cho việc thực thi những thỏa thuận của ASEAN.

Chúng ta cũng đã sớm củng cố, tăng cường tổ chức bộ máy và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành tham gia hợp tác ASEAN; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá về ASEAN để nâng cao nhận thức và khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình liên kết ASEAN.

Sự hình thành Cộng đồng ASEAN đã tạo ra cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam cũng như các nước thành viên khác. Về cơ hội, đó là chúng ta có được môi trường hòa bình và ổn định để tập trung phát triển kinh tế-xã hội cũng như tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước trong việc xử lý những thách thức đối với an ninh và phát triển của ta, nhất là trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông.

Chúng ta có cơ hội lớn hơn trong tiếp cận các thị trường trong và ngoài khu vực, đồng thời thu hút được ngày càng tăng đầu tư và kinh doanh từ bên ngoài. Chúng ta có điều kiện nâng cao năng lực thông qua cơ hội tiếp nhận được thông tin, khoa học-công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại và nguồn lực, đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước cho p hù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Chúng ta có được thế và điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng cường quan hệ với các đối tác ngoài ASEAN, nhất là các nước lớn, cũng như tham gia sâu rộng hơn vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế hay liên khu vực rộng lớn hơn; qua đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam.

Về thách thức, có thể nêu những khía cạnh chính sau: Chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy ASEAN liên kết sâu rộng hơn cũng như tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò quan trọng của Hiệp hội ở khu vực, chủ yếu do vẫn còn có sự khác biệt về thể chế, trình độ phát triển và lợi ích quốc gia giữa các nước thành viên. Chúng ta sẽ gặp sự cạnh tranh gay gắt hơn trong quá trình thực thi các cam kết về liên kết kinh tế, do năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn hạn chế. Chúng ta cần có sự chuẩn bị nội bộ tốt hơn và đầu tư nguồn lực nhiều hơn trong việc thực thi các cam kết của ASEAN, kể cả điều chỉnh chính sách, pháp luật, các quy định và thủ tục hành chính trong nước cho phù hợp với cam kết quốc tế.

- Chủ đề của ASEAN trong năm 2015 là lấy người dân làm trung tâm, vậy Phó Thủ tướng mong muốn chuyển thông điệp gì tới người dân Việt Nam nhân sự kiện sẽ hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Mặc dù chủ đề “lấy người dân làm trung tâm” là chủ đề chính của riêng năm nay, nhưng có thể nói, đây luôn là mục tiêu xuyên suốt của ASEAN trong thời gian qua, và đặc biệt là trong thời gian tới khi hình thành Cộng đồng ASEAN. Nhân dịp này, tôi xin nhấn mạnh một số ý nghĩa của chủ đề này như sau:

Một mặt, mục tiêu này đòi hỏi Lãnh đạo của từng thành viên ASEAN cần đề cao trách nhiệm trong việc lãnh đạo đất nước và lãnh đạo Hiệp hội nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, tạo ra nhiều cơ hội phát triển thiết thực cho từng cá nhân và cả cộng đồng.

Mặt khác, mỗi người dân cần nhận thức rõ rằng chúng ta không chỉ là một phần của ASEAN mà chúng ta là ASEAN; và tương lai của ASEAN là tương lai của chính chúng ta. Tham gia hợp tác ASEAN đã và sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng và thiết thực. Người dân Việt Nam chúng ta sẽ được thụ hưởng những lợi ích chung từ những thành quả hợp tác trong các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Nhiều lợi ích có thể là trừu tượng, nhưng rất có ý nghĩa.

Chúng ta được sống trong môi trường hòa bình, an ninh và ổn định; trong tình hữu nghị và đoàn kết với các nước thành viên với ý thức cộng đồng gắn kết; được hỗ trợ tốt hơn với mạng an ninh xã hội được cải thiện; kinh doanh trong môi trường thuận lợi hơn; tiếp cận được hàng hóa có chất lượng và giá thành hợp lý; được đi lại thuận tiện hơn đến các nước ASEAN; có cơ hội tìm kiếm việc làm có tay nghề tại các nước ASEAN.

Hội nhập ASEAN cũng như hội nhập quốc tế là sự nghiệp chung, không chỉ của riêng các cơ quan chính phủ mà còn của cả toàn thể người dân. Chính phủ rất mong mỗi người dân tham gia tích cực và chủ động vào quá trình liên kết ASEAN, góp phần tăng cường ý thức cộng đồng, thúc đẩy những lợi ích thiết thực đối với bản thân từng người dân.

- Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục