Việt Nam ghép tế bào gốc điều trị thành công cho bệnh nhân bị nhược cơ

Thành tựu này thể hiện trình độ chuyên môn của các y bác sỹ Việt Nam đã và đang làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu trong kỷ nguyên mới của y học thế giới.
Bệnh nhân Vân Anh tập vận động các cơ theo sự hướng dẫn của điều dưỡng chăm sóc sau khi thực hiện ghép tế bào gốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông báo các bác sỹ của bệnh viện vừa ứng dụng ghép tế bào gốc CD34 điều trị thành công cho một bệnh nhân bị nhược cơ.

Thành tựu này thể hiện trình độ chuyên môn của các y bác sỹ Việt Nam đã và đang làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu trong kỷ nguyên mới của y học thế giới - ứng dụng của tế bào gốc để điều trị thành công nhiều bệnh nan y hiện nay.

Một dấu mốc mới

Đại tá Nguyễn Hoàng Ngọc - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhấn mạnh với thành công của ca bệnh đầu tiên này, khi quy trình kỹ thuật này được ứng dụng trong lâm sàng sẽ triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho bệnh nhân ở nhóm tự miễn như nhược cơ và lupus ban đỏ sẽ thành thường quy ở bệnh viện. Từ đó tạo điều kiện để các bệnh nhân ở nhóm bệnh này - đó là những bệnh nhân không còn khả năng điều trị thông thường nữa, có cơ hội để duy trì được chất lượng cuộc sống tốt.

Đây là ca bệnh đánh dấu mốc lần đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công ghép tế bào gốc CD34 điều trị bệnh nhược cơ, mở ra hướng điều trị mới: ứng dụng ghép tế bào gốc bằng máu tự thân, đặc biệt là tế bào gốc CD34 để điều trị cho các bệnh nhân ở nhóm bệnh tự miễn như: bệnh nhược cơ và lupus ban đỏ.

[Tế bào gốc tự thân - Tăng cơ hội hồi phục cho bệnh nhân đột quỵ não]

Bệnh nhược cơ là một bệnh tự miễn mắc phải do cơ thể người bệnh có các tự kháng thể chống lại các thụ thể với Acetylcholin ở màng sau xi-náp thần kinh - cơ làm cho các thụ thể này bị giảm sút cả về số lượng lẫn chất lượng, dẫn tới tình trạng giảm hoặc mất dẫn truyền thần kinh- cơ, làm cho cơ bị mất trương lực, không co được và gây ra tình trạng nhược cơ ở ngươì bệnh.

Người bệnh có thể bị tàn phế do tình trạng nhược cơ toàn thân và có thể tử vong do các cơn nhược cơ hô hấp kịch phát.

Ngày 29/5/2021, Bệnh nhân Vân Anh được điều trị điều kiện hóa chất liều cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vào tháng 4/2006, sau khi sinh con được 4 tháng, chị Nguyễn Thị Vân Anh, 40 tuổi ở Hà Nội thấy cơ thể yếu dần đi, có khi đi cầu thang cũng ngã, và phải có người bế lên.

Sau đó, chị Vân Anh được điều trị tích cực từ biện pháp nội khoa rồi đến ngoại khoa: thuốc corticoid; thuốc ức chế miễn dịch; phương pháp lọc huyết tương… Thời gian đầu các triệu chứng nhược cơ có giảm, tuy nhiên, bệnh không ổn định lâu dài mà có xu hướng tái phát và ngày càng trầm trọng. Bệnh nhân phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người con trai duy nhất của mình.

90 ngày các bác sỹ căng thẳng cân não

Phó giáo sư Nguyễn Thị Minh Phương - Viện trưởng Viện Ung thư (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết đây là bệnh nhân còn khá trẻ (mắc bệnh khi 25 tuổi) bị bệnh lý nhược cơ được chẩn đoán từ năm 2006, trong bối cảnh bệnh nhân sau khi sinh con được 4 tháng thì bệnh nhân mất hết tất cả các sức cơ, không vận động được, được chẩn đoán là bệnh nhược cơ.

Bệnh nhân đã được phẫu thuật u tuyến ức năm 2009 và sau đó bệnh nhân trải qua rất nhiều phương pháp điều trị hiện tại có tại Việt Nam như là điều trị thuốc thuốc corticoid; thuốc ức chế miễn dịch; phương pháp lọc huyết tương... Tuy nhiên sau mỗi phương pháp điều trị đó 1 vài ngày hoặc 1 tháng các triệu chứng của bệnh nhân cải thiện, sau đó lại trở lại như cũ và ngày càng trầm trọng. Trước khi đến ghép, tình trạng bệnh nhân hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của gia đình.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị bệnh nhược cơ và lupus ban đỏ hệ thống.

Trung tướng Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện đến thăm bệnh nhân trước khi ra viện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại tá Mai Văn Viện - Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại lồng ngực, Chủ nhiệm đề tài cho hay Bệnh nhân Nguyễn Thị Vân Anh là 1 trong số 40 bệnh nhân nhược cơ mà nhóm nghiên cứu đề tài sàng lọc và chọn để điều trị. Qua quá trình chuẩn bị rất công phu, bệnh nhân đã được ghép theo đúng quy trình.

Hiện nay, ghép tế bào gốc đã được ứng dụng điều trị cho một số bệnh như: xơ gan, khớp giả, đột quỵ và ung thư máu... Đó là những khối tế bào bạch cầu đơn nhân (bao gồm tế bào gốc và có lẫn các thành phần khác) được tách từ máu ngoại vi hoặc tủy xương.

Nhược cơ là một bệnh tự miễn, do đó đòi hỏi phải có khối tế bào gốc tinh khiết, không bao gồm các thành phần khác. Bởi nếu không tinh khiết thì dễ gây ra các phản ứng tự miễn sau ghép. Vì vậy, bệnh nhân Nguyễn Thị Vân Anh đã được ghép tế bào gốc tự thân tinh khiết CD34. Đây là loại tế bào gốc được tách với độ tinh khiết cao, loại bỏ hoàn toàn các yếu tố tự miễn trong đó.

Sau khi tế bào gốc được tách thì bệnh nhân được điều trị điều kiện diệt tuỷ bằng phác đồ hoá chất để chuyển tuỷ xương trở thành tổ chức hoang mạc. Trên tổ chức tuỷ xương này các tế bào gốc đã bị diệt hoàn toàn. Do đó, khi chỉ truyền lại tế bào gốc tinh khiết CD34 sẽ là một thách thức cho các thầy thuốc cũng như bệnh nhân. Đó là điểm khác biệt, tinh tế trong điều trị bệnh nhân nhược cơ bằng tế bào gốc CD34 so với các loại bệnh khác.

Các y bác sỹ dùng hóa chất kết hợp với yếu tố kích thích dòng bạch cầu hạt, để kích tế bào gốc từ tủy xương ra máu ngoại vi. Sau đó thu thập tế bào gốc bằng máy chuyên dụng. Các tế bào gốc sau khi thu thập sẽ được xử lý qua máy CliniMACs để tách riêng tế bào CD34 ra khỏi khối tế bào gốc đơn nhân. Sau đó tế bào gốc được bảo quản ở tủ có nhiệt độ âm sâu (-196 độ).

Trước đây bệnh nhân cần phải có người nâng đỡ và cõng lên cầu thang thì hiện tại bệnh nhân có thể tự leo cầu thang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau khi tế bào gốc đã tách ra, bệnh nhân được sử dụng phác đồ điều kiện với hóa chất liều cao diệt tủy. Cuối cùng các bác sĩ lấy tế bào gốc đã được bảo quản lạnh truyền lại cho bệnh nhân. Sau đó các tế bào gốc đó sẽ mọc ghép trên tủy xương của bệnh nhân và sinh ra hệ miễn dịch mới.

Bệnh nhân được tiến hành các thủ tục ghép tế bào gốc từ ngày 17/3/2021. Đến ngày 29/6/2021, bệnh nhân được ra viện.

Sau khi điều trị, tình trạng nhược cơ của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt từng ngày. Bệnh nhân cảm thấy sức cơ có những chuyển biến mới từ không nhấc được chân, đi liêu xiêu, giờ đã có thể tự nhấc chân và đi lại chắc chắn. Các cơ toàn thân được hồi phục hầu như hoàn toàn. Các thuốc để điều trị nhược cơ được giảm liều xuống thấp và dự kiến sẽ cắt hoàn toàn để hướng đến mục tiêu giúp cho bệnh nhân không còn phụ thuộc vào thuốc.

Bệnh nhân trong ngày xuất viện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh nhân Nguyễn Thị Vân Anh sau ghép tế bào gốc tâm sự: “Sau khi được ghép thì mình thấy trong cơ thể của mình nhẹ nhàng thư thái hơn. Đi lại thấy nhẹ nhàng hơn, tôi rất là mong muốn những bệnh nhân nhược cơ khác cũng được thực hiện phương pháp mới này như tôi để có thể thay đổi được cuộc sống và chất lượng cuộc sống tốt hơn.”

Sau hơn 1 năm chuẩn bị, 90 ngày thực hiện kỹ thuật, các bác sỹ của bệnh viện đã có những ngày căng thẳng cân não, theo dõi bệnh nhân sát sao, từ quá trình diệt tủy, đưa cơ thể bệnh nhân về trạng thái không có khả năng đáp ứng miễn dịch để sẵn sàng ghép, thực hiện ghép tế bào gốc CD34 và theo dõi quá trình mọc ghép hàng ngày. Các bác sỹ phải đếm từng tế bào, lo lắng và hy vọng…

Sau một quá trình theo dõi sức khoẻ bệnh nhân cho thấy kết quả mọc ghép theo đúng tiến độ, biểu hiện lâm sàng bệnh nhân có thể vận động được và ngày 29/6/2021 bệnh nhân đã được ra viện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục