Việt Nam-EU hợp tác thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững

Để cạnh tranh được tại thị trường EU và tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA, DN Việt cần tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững.
Mô hình trồng dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh, xã Phước Tiến, huyện Bác Ái, Ninh Thuận. (Ảnh: TTXVN)

Sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), thương mại song phương Việt Nam-EU tăng trưởng rất tích cực nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của hai bên.

Để khai thác hiệu quả thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo phát triển xanh, bền vững.

Đây là nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại Diễn đàn thương mại Việt Nam-EU do Bộ Công Thương phối hợp Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 29/9.

Đòn bẩy tăng trưởng thương mại

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết hơn 2 năm kể từ khi EVFTA chính thức đi vào hiệu lực là quãng thời gian chứng kiến nhiều biến động thăng trầm của nền kinh tế thế giới nói chung, cũng như của EU và Việt Nam nói riêng, khi giao thương và chuỗi cung ứng rơi vào khó khăn thậm chí đứt gãy dưới tác động của đại dịch, cùng các bất ổn địa chính trị khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó, EVFTA đã nhanh chóng phát huy những tác dụng tích cực, không chỉ là đòn bẩy cho thương mại hai chiều mà còn là lợi thế ưu việt hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai bên duy trì và phát triển các hoạt động kinh doanh, đầu tư trong bối cảnh biến động thị trường phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ suy thoái.

Về thương mại, EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của Việt Nam theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm thứ hai thực thi EVFTA (từ tháng 8/2021-7/2022), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt 45 tỷ USD, tăng 17% và nhập khẩu đạt 16,4 tỷ USD, tăng 0,2%.

Tính riêng 8 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU đạt 42,4 tỷ USD, tăng 14,85% so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng như máy móc thiết bị dệt may, giày dép mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như càphê (54,4%), thủy sản (41,9%), rau quả (18%), hồ tiêu (25%), gạo (22,2%)…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên.

Những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo EVFTA cũng góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU; đồng thời được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao của EU.

[Các FTA tạo xung lực mới cho hoạt động xuất khẩu]

“Việt Nam đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động xuất khẩu và xúc tiến thương mại, đầu tư với đối tác EU, khi cả Việt Nam và EU đang đẩy mạnh phục hồi hậu đại dịch, tích cực nối lại các hoạt động kinh tế, giao thương và bước đầu tận dụng được những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm hỗ trợ mở rộng thị trường và tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với EU cũng như các nước thành viên, tạo tiền đề rất lớn để thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương, không chỉ giới hạn trong thương mại, mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế khác,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin thêm.

Hướng tới tăng trưởng xanh-bền vững

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương cho rằng, thị trường EU cần sự đa dạng hóa và nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt Nam như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty May 10 đã chủ động xây dựng thương hiệu riêng, cải tiến sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, bền vững và đạt được thành tựu khi thâm gia sâu vào chuỗi cung ứng của thị trường EU.

Sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang Thụy Sỹ tại nhà máy của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu vào EU trong tổng giá trị xuất khẩu của các ngành hàng còn tương đối khiêm tốn. Điều này xuất phát từ việc các doanh nghiệp đang đi theo lối mòn khai thác các thị trường truyền thống và ngại khai thác các thị trường mới nhiều dư địa nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn cao.

Ông Axel Goethal, Giám đốc Viện Châu Âu nghiên cứu châu Á nhận định EVFTA đề cập trực tiếp về cắt giảm thuế quan nhưng việc thực thi lại phụ thuộc vào khả năng vận dụng của các doanh nghiệp.

Do đó, cần xây dựng năng lực cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp các doanh nghiệp đạt được năng lực tuân thủ cao hơn, đạt chuẩn cao nhất về chất lượng, các yêu cầu quản lý nhà nước.

Nếu vượt qua được thách thức về năng lực đáp ứng thì Việt Nam sẽ tận dụng được các lợi ích từ hiệp định một cách tối đa.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu khi có đường bờ biển dài, phần lớn dân cư tập trung khu vực đồng bằng, vùng trũng thấp.

Những tác động tiêu cực từ nước biển dâng ngày càng được cảm nhận rõ rệt lên đời sống và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch, việc giải quyết phát thải carbon ngày càng khó khăn.

Trong khi đó, người tiêu dùng và nhà đầu tư hiện nay ngày càng hướng đến các mô hình kinh doanh bền vững, các khoản đầu tư bền vững là công cụ hướng đến phát triển lâu dài.

Để có thể cạnh tranh được tại thị trường EU, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA Việt Nam đã ký kết, doanh nghiệp Việt cần tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường và đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững.

Theo ông Alain Cany, châu Âu khuyến khích việc phát triển các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Các doanh nghiệp châu Âu cũng mong muốn có mặt tại Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, đầu tư nguồn tài chính cho các lĩnh vực thúc đẩy tính bền vững của nền kinh tế.

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, hơn lúc cần chủ động đổi mới chính mình, nâng cao năng lực nội tại, điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp để nhanh chóng thích nghi và phát triển theo lộ trình xanh và bền vững.

Đây cũng là xu thế không thể đảo ngược trên toàn cầu và là con đường bắt buộc để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục