Việt Nam được đánh giá cao trong phòng chống dịch bệnh mới nổi

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A, ngăn chặn thành công một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập như cúm A(H7N9), Ebola, Mers-CoV.
Việt Nam được đánh giá cao trong phòng chống dịch bệnh mới nổi ảnh 1Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

70 năm qua, ngành y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và ngăn ngừa dịch bệnh mới nổi xâm nhập vào Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về những kết quả đạt được của công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.


- Cục trưởng cho biết những dấu ấn trong công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam thời gian qua?

Cục trưởng Trần Đắc Phu: Trước tiên phải nói rằng công tác phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam đã có tiến bộ rõ rệt và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Sau khi hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, công tác phòng chống dịch bệnh đã được quan tâm nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm gây dịch góp phần quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Song, công tác phòng chống dịch bệnh thực sự đạt được kết quả vượt bậc trong vòng 30 năm trở lại đây, khi đất nước được thống nhất, khoa học có tiến bộ vượt bậc; đặc biệt sự tiến bộ của vắcxin phòng bệnh, điều kiện kinh tế-xã hội, dân trí người dân được nâng lên.

Trước kia, dịch bệnh ở Việt Nam diễn ra theo mùa và nhiều dịch bệnh nguy hiểm liên tục xuất hiện hàng năm. Các khoa lây của bệnh viện các tuyến đều quá tải bệnh nhân và đã có nhiều cái chết thương tâm mỗi khi có dịch xảy ra như dịch tả, thương hàn, dịch hạch. Lúc đó, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người chết về sốt rét, sốt xuất huyết mỗi năm, trẻ em bị tàn phế do mắc các bệnh như bại liệt, viêm não...

Chính vì vậy, dấu ấn quan trọng nhất trong hơn 30 năm công tác phòng chống dịch là Việt Nam hiện đã có năng lực giám sát, phát hiện, chẩn đoán xác định dịch bệnh và ứng phó giải quyết dịch bệnh một cách nhanh chóng. Kết quả là nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế, đẩy lùi và thanh toán.

Cụ thể như thanh toán bệnh đậu mùa vào năm 1978, thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, từ năm 2002 không có bệnh dịch hạch; một số bệnh dịch có vắcxin phòng bệnh đã giảm hàng trăm đến hàng nghìn lần so với những năm trước khi có Chương trình tiêm chủng mở rộng (như bạch hầu, ho gà, sởi)...

Nhiều bệnh dịch lưu hành khác có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn như sốt xuất huyết, viêm não virus, lao, thương hàn, tả đã được khống chế; không gây thành các dịch lớn, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong.

Đồng thời, Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn và khống chế nhanh các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A (H5N1), cúm A(H1N1) đại dịch; ngăn chặn thành công không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập như cúm A(H7N9), Ebola, Mers-CoV... góp phần rất lớn vào việc ổn định an sinh xã hội trong bối cảnh giao lưu du lịch, thương mại giữa các nước trên thế giới ngày càng gia tăng.

- Xin ông cho biết những khó khăn và thách thức trong công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam qua các giai đoạn; đặc biệt trong tình hình hiện nay khi dịch bệnh thực sự đang thách thức không chỉ một quốc gia mà ảnh hưởng đến toàn cầu?

Cục trưởng Trần Đắc Phu: Công tác phòng chống dịch của Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước song phải nói rằng trong bất kỳ giai đoạn nào cũng đều có khó khăn, thách thức và có tính đặc thù riêng.

Trong những năm đầu khi đất nước mới giành độc lập, bệnh dịch gắn liền với đói nghèo, các hủ tục, tập quán lạc hậu, nơi ăn chốn ở của người dân, điều kiện vệ sinh trong khi đó sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch rất hạn chế; đặc biệt đội ngũ và năng lực cán bộ làm công tác phòng chống dịch bệnh quá khó khăn. Chính vì vậy, các bệnh lây truyền theo đường tiêu hoá lưu hành và phát triển mạnh như tả, lỵ, thương hàn...

Bên cạnh đó, các bệnh dịch khác như dịch hạch, đậu mùa, sốt rét, viêm não, bại liệt, bạch hầu, sởi, ho gà, uốn ván sơ sinh cũng bùng phát hàng năm dẫn đến số người mắc và tử vong với số lượng lớn hàng năm.

Kể từ thập niên 80 trở lại đây, sau khi nước nhà được hoàn toàn thống nhất, đời sống kinh tế của người dân được nâng lên, Đảng và Nhà nước có điều kiện hơn trong việc đầu tư cho công tác y tế dự phòng, trong đó có công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, sự tiến bộ của khoa học trong việc sử dụng vắcxin tiêm chủng phòng bệnh, mô hình các bệnh truyền nhiễm đã có thay đổi, nhiều bệnh dịch đã được khống chế, một số bệnh dịch được loại trừ và thanh toán.

Tuy vậy, trong giai đoạn sau này, khi nền kinh tế mở cửa, sự giao lưu thương mại giữa các quốc gia ngày càng phát triển, điều kiện kinh tế-xã hội có những bước chuyển mạnh mẽ cùng với hậu quả của biến đổi khí hậu, đô thị hóa, dân số tăng nhanh... Việt Nam lại đối mặt với nguy cơ bị xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi mang tính toàn cầu như như SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H1N1), cúm A(H7N7), Ebola, Mers-CoV.

Đồng thời, Việt Nam với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa nên thuận lợi cho các mầm bệnh truyền nhiễm phát triển; thêm vào đó, sự chuyển biến từ nhận thức sang thay đổi hành vi của bộ phân dân cư còn rất chậm.

Ở một số địa phương còn tồn tại những phong tục, tập quán lạc hậu có hại cho sức khỏe làm cho một số bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn còn tồn tại dai dẳng và đôi lúc tạo nên các ổ dịch trong cộng đồng như khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi khó tiếp cận với các dịch vụ y tế. Đặc biệt, hiện nay công tác phòng chống dịch phải đáp ứng được với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của mỗi người dân.


- Trong bối cảnh của nền y tế Việt Nam hiện nay, xin Cục trưởng cho biết định hướng công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển ngành y học dự phòng sẽ như thế nào?


Cục trưởng Trần Đắc Phu:
Thực hiện y học dự phòng theo hướng tích cực và chủ động vẫn là vấn đề xuyên suốt trong định hướng phát triển và đầu tư cho y tế dự phòng. Y tế dự phòng không chỉ giải quyết bệnh truyền nhiễm mà bao gồm cả bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe và gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Làm tốt công tác y tế dự phòng là để giảm tỷ lệ mắc và tử vong với số lượng lớn trong cộng đồng; làm tốt dự phòng người dân ít đến bệnh viện hơn, góp phần giảm quá tải bệnh viện. Kết quả lớn hơn là đảm bảo an ninh sức khỏe, an sinh xã hội, đảm bảo kinh tế phát triển bền vững.

Thời gian tới, y tế dự phòng cần tiếp tục hoàn thiện và củng cố hệ thống y tế dự phòng theo hướng hiện đại từ trung ương đến địa phương. Hệ thống giám sát phải hiện đại, có đủ năng lực để có thể chủ động phát hiện, chẩn đoán dịch bệnh một cách chính xác sớm và can thiệp phòng chống dịch kịp thời khi có ca bệnh đầu tiên. Trong đó, đặc biệt lưu ý năng lực xét nghiệm, đảm bảo an toàn sinh học để có thể xét nghiệm phát hiện hầu hết các bệnh dịch mới nổi hoặc mới xuất hiện.

Đồng thời hệ thống dự phòng phải có năng lực đáp ứng dịch bệnh đủ mạnh, có khả năng đáp ứng nhanh, triển khai kiểm soát dịch bệnh ngay từ cửa khẩu và tại cộng đồng; kịp thời khống chế dịch bệnh, ngăn chặn có hiệu quả những bệnh gây dịch nguy hiểm và các bệnh mới nổi xâm nhập vào Việt Nam cũng như không để bùng phát dịch lớn trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng bệnh, bổ sung vắcxin mới trong tiêm chủng mở rộng để người dân được tiêm chủng nhiều loại vắcxin hơn, nâng cao tỷ lệ bao phủ vắcxin tới các đối tượng có nguy cơ cao, nhất là đối với trẻ em, các khu vực vùng sâu, vùng xa để tiếp tục tiến tới việc loại trừ một số bệnh dịch nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc, tử vong.

Để đáp ứng được tốt các hoạt động nêu trên, y tế dự phòng cần được tăng cường đầu tư và quan tâm thích đáng cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người; rà soát các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, tuyến huyện (hiện có trung tâm y tế dự phòng tuyên huyện còn chưa có trụ sở) còn chưa đạt yêu cầu để có kế hoạch đầu tư trong thời gian tới; đồng thời có chính sách thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách và cơ chế sử dụng ngân sách cho y tế dự phòng hiện nay để đảm bảo tính chủ động, tích cực trong công tác đáp ứng phòng chống dịch.

Ngoài ra, ngành y tế nên xây dựng các chính sách thu hút cán bộ có năng lực làm việc lâu dài trong lĩnh vực y tế dự phòng. Hiện nay, cán bộ làm công tác y tế dự phòng, đặc biệt làm công tác phòng chống dịch không có thu nhập thêm trong khi đồng lương còn rất khó khăn, không đủ phục vụ cho cuộc sống và sinh hoạt gia đình.

Một vấn đề cũng rất quan trọng nữa chính là làm tốt công tác hợp tác quốc tế để chia sẻ thông tin, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế cả về kỹ thuật và tài chính, trang thiết bị, đào tạo nhân lực vì dịch bệnh hiện nay có tính chất toàn cầu.

- Xin ông cho biết hiện công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới như thế nào? Đặc biệt là vai trò của Việt Nam trong việc chung tay phòng chống và ngăn chặn các dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm hiện nay?


Cục trưởng Trần Đắc Phu:
Việt Nam ngày càng hội nhập, tham gia tích cực và có những đóng góp quan trọng vào công tác phòng chống dịch bệnh trong phạm vi quốc tế cũng như khu vực và được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia vào các tổ chức phòng chống dịch bệnh chung của khu vực như nhóm công tác phòng chống đại dịch, nhóm chuyên gia phòng chống bệnh truyền nhiễm với vai trò là nước hàng đầu trong công tác phòng chống bệnh dại và sốt xuất huyết.

Trong năm 2015, Việt Nam là nước trưởng nhóm điều hành của mạng lưới đào tạo dịch tễ học thực địa của ASEAN+3; tổ chức thành công cuộc họp các nhà quản lý chương trình và tổ chức diễn tập phối hợp phòng chống dịch Ebola giữa các nước trong khu vực.

Trên bình diện quốc tế, năm 2014, Việt Nam đã tham gia Chương trình hợp tác An ninh y tế toàn cầu. Trong đó, Việt Nam cam kết hoạt động như là một trong những nước hàng đầu thúc đẩy các hoạt động phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người theo hướng Một sức khỏe.

Bộ Y tế đã thành lập Văn phòng đáp ứng tình huống khẩn cấp trong phòng chống dịch bệnh (EOC) với sự tham gia của các tổ chức quốc tế và trong nước đã làm tăng sự điều phối hoạt động phòng chống dịch và hợp tác chia sẻ thông tin với các nước, tổ chức quốc tế.

Trong tháng 8/2015, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị quốc tế về phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo hướng Một sức khỏe tại Việt Nam. Đây là những nỗ lực hết sức cụ thể thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi nói riêng cũng như trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế nói chung.

Việt Nam đã tích cực hội nhập và làm tốt lĩnh vực hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch bệnh. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh so với các nước trong khu vực và quốc tế.


- Trân trọng cám ơn phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đắc Phu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục