Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, Cục Phát triển Du lịch thuộc Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, cho biết trong ba tháng đầu năm nay, nước này đã đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Thái Lan là nước có lượng khách du lịch đến Lào nhiều nhất với 337.689 lượt khách, tiếp đó là Việt Nam với 263.165 lượt khách, theo sau lần lượt là các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.
Theo Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, bên cạnh việc quảng bá và thúc đẩy du lịch, chiến dịch “Năm du lịch Lào 2024” còn nhằm mục đích giới thiệu nghệ thuật, văn hóa và truyền thống của đất nước, cũng như cung cấp thông tin cho du khách về lịch sử lâu đời của Lào, cùng việc sử dụng bền vững các tài nguyên thiên nhiên.
Thời gian vừa qua, nhiều tạp chí du lịch nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới đã đánh giá Lào là một trong những điểm đến hấp dẫn, hay là địa điểm “du lịch chậm.” Họ cho rằng điểm nổi bật của Lào là các điểm du lịch văn hóa, trải nghiệm ngoài trời và sự quyến rũ vượt thời gian, vẫn giữ được vẻ nguyên sơ với phần lớn chưa bị ảnh hưởng bởi sự thương mại hóa.
Để đạt được những mục tiêu đề ra cho chiến dịch “Năm du lịch Lào 2024,” Lào đã xây dựng chiến lược cả ngắn hạn và dài hạn, nhằm phát triển bứt phá ngành kinh tế mũi nhọn này để cạnh tranh hiệu quả với các nước trong khu vực, đặc biệt góp phần vào sự phát triển, sáng tạo, hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương, góp phần quan trọng vào sự phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.
Với những tín hiệu tích cực trong "ngành công nghiệp không khói" của nước này, hy vọng từ nay đến hết năm 2024, Lào sẽ đón trên 4,6 triệu lượt khách quốc tế và tạo nguồn thu 1,3 tỷ USD mà trước đó chính phủ nước này đã đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực về du lịch, kinh tế Lào lại đang đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao. Trung tâm Thống kê Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào vừa công bố báo cáo cho thấy tỷ lệ lạm phát của Lào trong tháng 4/2024 ở mức 24,9%, không khác nhiều so với tháng trước (tháng Ba vừa qua ở mức 25%) và giá hàng hóa vẫn tiếp tục tăng cao.
Theo báo cáo, các nhóm hàng có tỷ lệ lạm phát cao là quần áo, giày dép tăng 37,6%, tiếp theo là nhóm hàng chăm sóc sức khỏe và y tế tăng 36,1%, nhóm nhà hàng và khách sạn tăng 35,3%; nhóm rượu và thuốc lá tăng 28,5% và nhóm thiết bị gia dụng tăng 27,1%.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng lạm phát gia tăng trong tháng Tư này chủ yếu là do trong dịp Tết cổ truyền Bun Pi Mai 2024 của Lào, nhu cầu của người dân tăng mạnh đã dẫn đến giá một số sản phẩm tăng. Đồng thời, tỷ giá hối đoái của đồng kip so với đồng USD tiếp tục suy yếu. Giá nhiên liệu tăng là một yếu tố làm giá thành sản xuất, dịch vụ tăng, trong đó xăng bình thường tăng 5,9%, giá dầu diesel tăng 0,6%.
Trong thời gian tới, giá cả hàng hóa ở Lào vẫn có xu hướng tiếp tục tăng do các yếu tố nội tại như khả năng can thiệp vào thị trường tỷ giá còn hạn chế, việc thúc đẩy sản xuất trong nước còn cần thời gian, các biện pháp quản lý giá hàng hóa còn nhiều bất cập, yếu kém, cộng với các điều kiện bên ngoài như xung đột trong khu vực và quốc tế ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất-cung ứng hàng hóa và các dịch vụ khác.
Thúc đẩy hợp tác thương mại, du lịch hai tỉnh Quảng Bình và Salavan của Lào
Tỉnh trưởng tỉnh Salavan cam kết sẽ đẩy mạnh hợp tác với các địa phương của Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Bình theo hướng ngày càng sâu sắc, bền vững.