Tại Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện "Chương trình phát triển Công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020” diễn ra ngày 16/1, Ban chỉ đạo chương trình khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chip của thế giới.
Nhờ đó, Việt Nam đã được nâng hạng lên vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN về lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Hiện tại, ngày càng nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài liên quan đến lĩnh vực vi mạch đang được đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình phát triển Công nghiệp vi mạch của thành phố, cho biết sau hai năm triển khai, chương trình đã đạt được những thành công nhất định, đặc biệt là sự ra đời của chip SG8V1 cùng sản phẩm ứng dụng chip đã tạo ra bước ngoặt cho ngành công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hàng loạt ứng dụng thiết thực đã được tạo ra từ chip SG8V1 như khóa container, thiết bị giám sát hành trình, điện kế điện tử, modem thu thập dữ liệu DCM, hệ thống quản lý ứng dụng RFID, thiết bị giám sát và định vị nguồn phóng xạ…
Theo kế hoạch của Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài các dự án nhánh ban đầu, sắp tới chương trình sẽ tập trung vào 3 khía cạnh mới là phát triển vi cơ điện tử, đề án phòng thí nghiệm nghiên cứu vi mạch sản xuất quy mô nhỏ (Lab-To-Fab), chương trình sản xuất sản phẩm điện tử ứng dụng vi mạch Việt.
Việc bổ sung các dự án nhánh này sẽ giúp chương trình tạo nên một hệ sinh thái toàn diện cho ngành công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định quyết tâm của thành phố trong công cuộc phát triển lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao những kết quả ban đầu của Thành phố Hồ Chí Minh trong ngành công nghiệp vi mạch, vốn còn rất non trẻ tại Việt Nam.
Đây là dự án khoa học công nghệ có mức đầu tư lớn nhất nước hiện nay với 124 tỷ đồng. Sự phát triển nhanh chóng cùng việc thương mại hóa chip SG8V1 sẽ mang tới hy vọng vào tương lai phát triển của ngành vi mạch của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Hiện mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 20 tỷ con chip các loại. Đây là cơ sở để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngành công nghiệp vi mạch trở thành một ngành kinh tế chủ lực, ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, tạo nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố.
Ông Lê Mạnh Hà khẳng định, thành phố sẽ đầu tư không hạn chế về kinh phí, đồng thời mở ra những cơ chế, chính sách thuận lợi để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn./.