Việt Nam-Đức tăng hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực nước

Hội thảo nghiên cứu về nước và phát triển hợp tác khoa học được Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức tổ chức.
Việt Nam-Đức tăng hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực nước ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 19/3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức cùng Văn phòng hợp tác nghiên cứu nước và phát triển bền vững Việt Nam - Cộng hòa liên bang Đức, tổ chức hội thảo: “Nghiên cứu về nước và phát triển bền vững trong hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Cộng hòa liên bang Đức năm 2014.”

Hội thảo nhằm phổ biến những kinh nghiệm và kết quả khoa học giữa các nhà nghiên cứu và các bên liên quan, đồng thời nâng cao sự phối hợp giữa các dự án nghiên cứu chung trong hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Cộng hòa liên bang Đức.

Hơn 100 đại biểu tham dự trong đó có nhiều chuyên gia của hai nước đã cùng thảo luận nhiều chủ đề xoay quanh các vấn đề về nước và môi trường; Chương trình hợp tác quốc tế cho các công nghệ và dịch vụ bền vững nhằm bảo vệ khí hậu và môi trường - CLIENT do Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa liên bang Đức đồng tài trợ.

Nội dung và kết quả triển khai của một số dự án hợp tác nghiên cứu trọng điểm như dự án xử lý nước thải dệt nhuộm tại Việt Nam dùng công nghệ oxy hóa tiên tiến dùng xúc tác quang nano titan điô xít - Navitex; Dự án giám sát giao thông đô thị trực tuyến - giải pháp quản lý giao thông và phát triển đo thị Hà Nội - Remon; Chiến lược quản lý nước thải tổng hợp cho Khu công nghiệp - Akiz.

Một số đại biểu cũng đưa ra những kiến nghị về những ý tưởng, công nghệ, giải pháp phát triển trong thời gian tới.

Ông Steffen John, đại diện Dự án xử lý nước thải dệt nhuộm tại Việt Nam dùng công nghệ oxy hóa tiên tiến dùng xúc tác quang nano titan điô xít - Navitex cho biết hàng năm, nước thải dệt nhuộm từ ngành công nghiệp này lên tới 25-30 triệu m3 những chỉ có 20% lượng nước thải được xử lý.

Các chuyên gia thuộc dự án đã tiếp xúc với trên 70 công ty Việt Nam trong các lĩnh vực dệt nhuộm; thực phẩm và dược; bệnh viện; khách sạn và giới thiệu về công nghệ UV và AOP, hai công nghệ tiên tiến trong xử lý nước công nghiệp.

Bên cạnh đó, dự án cũng thực hiện trao đổi và hợp tác với các viện chuyên ngành khác nhau tại Đại học Bách khoa Hà Nội, trao đổi sinh viên và nghiên cứu sinh.

Dự án cũng bắt đầu tiến hành thực nghiệm với nước thải thực từ các nhà máy dệt nhuộm tại Đà Nẵng, mở rộng các ứng dụng của công nghệ nano trong xử lý nước thải, mô hình hóa hệ thống xử lý…

Tiến sỹ Andreas Suthof, phòng Châu Âu và Quan hệ quốc tế - Viện Quản lý Châu Á cho rằng, để các dự án hợp tác Việt Nam và Đức triển khai thành công cần có sự định hướng ban đầu hệ thống các dự án hướng tới thực hiện và phổ biến các giải pháp sáng tạo. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ và giữa các tổ chức sẽ tạo lợi ích chung cho các bên./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục