Việt Nam đưa ra 4 kiến nghị được các nước dự APPF đánh giá cao

Việt Nam đưa ra 4 kiến nghị được nghị viện các nước thành viên APPF đánh giá cao, bao gồm tăng cường xây dựng lòng tin, tôn trọng chủ quyền, thể chế chính trị, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhau.
Ông Vũ Hải Hà (ngoài cùng bên phải), Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội dự APPF lần thứ 30. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)

Sau 3 ngày làm việc tích cực, chiều 28/10, Hội nghị Diễn đàn Nghị viện châu-Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 30 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, đã chính thức bế mạc.

Hội nghị đã ra Thông cáo chung nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy hợp tác ngoại giao nghị viện, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh và kinh tế số vì sự phục hồi bền vững, thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.

Thông cáo chung cho biết trong phiên họp toàn thể về vấn đề chính trị và an ninh, các nghị viện thành viên APPF đã nhất trí về tầm quan trọng của hợp tác song phương và đa phương, khẳng định ngoại giao nghị viện cần được chú trọng và thực hiện để thúc đẩy các thể chế mạnh mẽ hơn, giải quyết xung đột khu vực và khắc phục những thách thức đương đại, nhờ đó đặt nền tảng cho hòa bình và ổn định khu vực trên thế giới.

Về vấn đề kinh tế và thương mại, các nghị viện thành viên APPF nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nhập kinh tế số và cung cấp sự hỗ trợ lớn hơn cho quá trình khôi phục kinh tế bền vững hậu COVID-19. Các nghị viện thành viên cũng nhất trí tích hợp khái niệm bền vững vào các kế hoạch phát triển quốc gia và các chiến lược thực hiện ở cấp quốc gia và địa phương các cấp để đạt được Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững đúng thời hạn.

Liên quan vấn đề hợp tác khu vực tại châu Á-Thái Bình Dương, các nghị viện thành viên APPF nhấn mạnh hợp tác đa phương để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu xuyên biên giới vốn đang đe dọa khu vực và nhân loại.

Các nghị viện thành viên cũng được khuyến khích hành động nhanh chóng để giải quyết vấn đề này, chẳng hạn như giảm phát thải khí nhà kính, rà soát và ban hành các luật và quy định về khí hậu, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ xanh và hỗ trợ tài chính khí hậu của các nước phát triển cho các nước đang phát triển, đặc biệt là các đảo quốc đang phát triển ở Thái Bình Dương và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững, toàn diện và bao trùm.

Hội nghị APPF lần thứ 30 đã thông qua 11 nghị quyết, chuyển 3 nghị quyết cho hội nghị tiếp theo, dự kiến sẽ được tổ chức tại Philippines vào năm tới.

Tại hội nghị, đại diện nước chủ nhà APPF 30 Thái Lan đã tiến hành chuyển giao lá cờ của hội nghị cho Quốc hội Philippines.

[APPF 30: Nghị viện và Phát triển bền vững hậu đại dịch COVID-19]

Trong diễn văn bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai bày tỏ vui mừng trước những cam kết của các nghị viện thành viên APPF đối với sự phục hồi công bằng, cân bằng và lấy người dân làm trung tâm, được phản ánh qua các kết quả chính của hội nghị.

Ông khẳng định, với sự chia sẻ các mối quan tâm chung và cùng hợp tác xây dựng mối quan hệ đối tác, các thành viên APPF đã bảo đảm khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ phát triển trên tất cả các mặt theo hướng bền vững hơn. Ông cũng kêu gọi chuyển đổi tầm nhìn APPF thành các hành động và thúc đẩy khu vực hướng tới hòa bình, thịnh vượng và bền vững cho các thế hệ tương lai.

Tại tất cả các phiên họp cùng các hội nghị liên quan trong khuôn khổ APPF lần thứ 30, đoàn Việt Nam đều thể hiện sự tham gia tích cực đóng góp vào thành công chung của hội nghị.

Đoàn Quốc hội Việt Nam dự APPF lần thứ 30. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN )

Trong bài phát biểu tại phiên họp về nội dung chính trị và an ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Hải Hà khẳng định trong năm qua Quốc hội Việt Nam đã có nhiều hoạt động ngoại giao nghị viện và đưa ra những khuyến nghị nhằm củng cố môi trường hòa bình trong thời đại sáng tạo và đổi mới công nghệ, thúc đẩy khuôn khổ pháp lý, triển khai Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, đồng thời đề cao tầm quan trọng của các quy tắc, chuẩn mực ứng xử trong giải quyết các vấn đề khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin và ngăn ngừa nguy cơ xung đột.

Trưởng đoàn Việt Nam cũng đưa ra 4 kiến nghị được nghị viện các nước thành viên APPF đánh giá cao, bao gồm tăng cường xây dựng lòng tin, tôn trọng chủ quyền, thể chế chính trị, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhau; tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật ở các vùng biển và đại dương, trong đó có duy trì Biển Đông hòa bình, hợp tác, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; phát huy vai trò tích cực trong việc xây dựng và đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế, luật quốc tế liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực; tiếp tục thúc đẩy các chính phủ tăng cường hiệu quả hợp tác trong kiểm soát đại dịch COVID-19, ngăn ngừa và giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Bên cạnh các hoạt động chính thức của hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam đã gặp và trao thư cảm ơn của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai, chào xã giao Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane, tiếp xúc song phương với các đoàn Canada, Campuchia, Australia, New Zealand.

Tại các cuộc gặp, đoàn Việt Nam đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và quốc hội các nước, bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và quốc hội các nước trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục