Từ ngày 6-8/1, Phiên họp rà soát chính sách thương mại lần thứ 7 của Ấn Độ cho giai đoạn 2015-2020 đã diễn ra tại trụ sở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở Geneva (Thụy Sĩ), dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã tham gia và phát biểu tại phiên họp.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đã nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ không ngừng được củng cố và phát triển. Ấn Độ là một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam trong thập kỷ qua, đồng thời là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong những năm gần đây.
Việt Nam đánh giá cao và chúc mừng Ấn Độ về những thành tựu trong phát triển kinh tế, duy trì tốc độ tương đối cao, trung bình 7,36% hàng năm trong giai đoạn 2015-2020 và 4,2% cho năm 2019-2020, bất chấp những bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng, căng thẳng thương mại cũng như đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng bày tỏ những quan điểm chung với Ấn Độ, khẳng định việc tôn trọng các quy tắc thương mại của WTO là giải pháp duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng đang bùng phát và sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực để duy trì và củng cố hệ thống thương mại đa phương công bằng và bình đẳng.
Chính vì vậy, chia sẻ một số quan ngại mà nhiều ý kiến của các thành viên khác nêu tại phiên họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai phát biểu Việt Nam bày tỏ quan ngại về một số biện pháp thương mại của Ấn Độ đã tạo ra những rào cản và hạn chế thương mại quá mức cần thiết. Đại sứ nhấn mạnh với tư cách là thành viên ASEAN - một đối tác thương mại của Ấn Độ, Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Ấn Độ để tìm ra các giải pháp phù hợp cho những vấn đề này; Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi cung ứng trong khu vực cũng như đóng góp vào sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19.
[Việt Nam dự phiên rà soát chính sách thương mại của Thái Lan tại WTO]
Từ góc độ ASEAN, tại phiên họp, đại diện ASEAN đã có phát biểu chung của ASEAN khẳng địnhẤn Độ là một trong những đối tác thương mại quan trọng trong ASEAN, quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ đã phát triển nhanh chóng từ quan hệ đối thoại ngành năm 1992 lên quan hệ đối tác đối thoại toàn diện vào tháng 12/1995. Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ sáu của ASEAN và cũng là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bên ngoài lớn thứ 8 của ASEAN.
ASEAN cũng hoan nghênh kết quả cuộc họp tham vấn của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Ấn Độ lần thứ 17 vào ngày 29/8/2020, trong đó các bên chia sẻ quan điểm coi hệ thống thương mại đa phương là một động lực cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và việc thực hiện Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Ấn Độ để các bên cùng có lợi.
Bên cạnh đó, phát biểu chung của ASEAN tại phiên họp cũng nhấn mạnh ASEAN ghi nhận những đóng góp quan trọng của Ấn Độ trong việc tăng cường và củng cố WTO, vấn đề cải cách WTO; ASEAN tái khẳng định cam kết mạnh mẽ và hợp tác với Ấn Độ trong việc duy trì hệ thống thương mại đa phương mở, bao trùm, minh bạch, không phân biệt đối xử và dựa trên các quy tắc của WTO.
Trong phiên họp 2 ngày, các thành viên WTO đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Ấn Độ trong giai đoạn 2015-2020, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, điều này đã giúp Ấn Độ trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các thành viên WTO bày tỏ tin tưởng rằng những cải cách kinh tế liên tục đã góp phần vào những phát triển tích cực này và dẫn đến cải thiện các chỉ số kinh tế - xã hội, chẳng hạn như thu nhập bình quân đầu người và tuổi thọ; hy vọng rằng kết quả kinh tế tích cực này sẽ giúp Ấn Độ hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu và đóng góp lớn hơn cho thương mại thế giới.
Liên quan việc Ấn Độ đã thông qua một gói kích thích và ổn định toàn diện để đối phó với tác động của đại dịch COVID-19, các thành viên WTO khuyến khích Ấn Độ đảm bảo rằng các biện pháp này được xây dựng và thực hiện một cách minh bạch và đáp ứng các mục tiêu chính sách hợp pháp, không tạo ra những hạn chế thương mại quá mức; theo đó, cần tuân thủ và thực thi đúng nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin về những biện pháp kinh tế nêu trên, đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện các quy định nhằm tránh gánh nặng không cần thiết cho các nhà điều hành kinh tế.
Thông qua phiên họp rà soát chính sách này, các thành viên WTO có cơ hội để xem xét một cách chi tiết và toàn diện các chính sách kinh tế, thương mại và đầu tư của Ấn Độ trong giai đoạn 2015-2020./.