Việt Nam dự Phiên họp lần thứ 144 Hội đồng FAO

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát dự và phát biểu tại Phiên họp lần 144 của Hội đồng FAO ở Italy.
Ngày 11/6, Phiên họp lần thứ 144 của Hội đồng Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã chính thức khai mạc tại trụ sở chính của FAO ở thủ đô Rome, Italy.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát đã tham dự và có bài phát biểu tại Phiên họp để báo cáo về những kết quả đạt được của Hội nghị FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 31 (APRC 31) tổ chức tại Hà Nội từ ngày 12 - 16/3.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Hội nghị APRC 31 đã thu thút được sự tham dự của trên 300 đại biểu, trong đó có 19 Bộ trưởng và 8 Thứ trưởng đại diện cho 39 đoàn đại biểu các nước thành viên của FAO trong khu vực và 34 đoàn đại biểu với tư cách là quan sát viên.

Với chủ đề là “An ninh lương thực và giảm đói nghèo ở nông thôn”, APRC 31 đã trao đổi, thảo luận và đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa an ninh lương thực và giúp người dân nông thôn giảm nghèo đói.

Hội nghị nhất trí rằng sự nhận thức về dinh dưỡng và giáo dục cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong khi triển khai các chương trình hỗ trợ ngắn hạn và chiến lược dài hạn nhằm đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là cho người nghèo, những hộ nông dân nhỏ lẻ, không có đất sản xuất; khuyến khích các quốc gia thành viên ban hành những chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và sản xuất nông nghiệp bao gồm cả chăn nuôi, thủy sản, phát triển nông thôn tổng hợp và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao vai trò của hội nông dân và hợp tác xã.

APRC 31 cũng nhất trí với sáng kiến của Tổng giám đốc FAO về “Quá trình tư duy chiến lược”, nhằm đảm bảo các vấn đề ưu tiên ở cấp quốc gia cũng là những vấn đề cần phải được xem xét đến ở cấp khu vực và toàn cầu để ứng phó một cách hiệu quả với những thách thức.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đề xuất 5 vấn đề ưu tiên của khu vực đó là tăng cường an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; tăng cường sử dụng và quản lý hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên; nâng cao năng lực để sẵn sàng ứng phó với các thảm họa trong nông nghiệp và lương thực; ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu trong nông nghiệp và an ninh lương thực và dinh dưỡng.

Hợp tác Nam - Nam trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu đã được Tổng giám đốc FAO đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị APRC 31. Đây là một trong những phương thức hợp tác có hiệu quả và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Bộ trưởng Cao Đức Phát còn cho hay APRC 31 đã tái khẳng định sự phù hợp của Khung Ưu tiên Khu vực cho châu Á - Thái Bình Dương và các trọng tâm công việc của FAO hiện nay ở khu vực này; nhấn mạnh việc FAO cần phải phân bổ và gia tăng các nguồn tài chính cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương để có đủ khả năng đối phó với những thách thức liên quan đến việc đảm bảo an ninh lương thực cho gần hai phần ba số người còn bị đói trên thế giới hiện đang sinh sống trong khu vực; nêu bật những thách thức mới đang nổi lên do các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên nhiên, đồng thời đề nghị FAO hỗ trợ đối phó với những thách thức này.

APRC 31 cũng đã nhất trí đề xuất Hội nghị FAO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 32 sẽ được tổ chức tại Mông Cổ vào năm 2014.

Bên lề Phiên họp lần này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng gặp gỡ một số quan chức của FAO để đề nghị FAO xem xét điều chỉnh dự án “Hỗ trợ khẩn cấp để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh tôm chưa biết tác nhân gây bệnh” trị giá 500 nghìn USD.

Đây là nguồn kinh phí do FAO tài trợ, chủ yếu được dùng để tuyển chuyên gia tư vấn quốc tế và trong nước; hỗ trợ mua con giống mới cho các hộ nuôi tôm bị thất bại do dịch bệnh, mua các trang thiết bị và hoạt động thí nghiệm để tìm kiếm nguyên nhân gây ra dịch bệnh hiện nay; hỗ trợ giúp cải thiện an toàn sinh học trong nuôi tôm, hoàn thiện các hướng dẫn chuẩn bị cho trường hợp dịch bệnh khẩn cấp, phát triển chiến lược quản lý dịch bệnh trong lĩnh vực thủy sản cho các hoạt động tiếp theo.

Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên tôm tại Việt Nam xảy ra khá nghiêm trọng, bệnh lây lan nhanh, trong khi tác nhân lây nhiễm hiện vẫn chưa được xác định.

Do đó, Việt Nam muốn đề nghị FAO điều chỉnh dự án phù hợp với tình hình dịch bệnh cấp bách hiện nay nhằm sử dụng nguồn kinh phí trong năm 2012, tập trung chủ yếu vào việc chẩn đoán, xác định được tác nhân gây ra dịch bệnh nguy hiểm trên tôm hiện nay.

Ngoài ra, Việt Nam cũng mong muốn FAO hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chuyên gia Việt Nam sang làm việc cho FAO theo đề nghị của Tổng giám đốc FAO tại Hội nghị APRC 31.

Trong thời gian tới, Việt Nam dự kiến sẽ cử các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, thủy sản, phát triển nông thôn sang làm việc tại FAO./.

Ngự Bình, Minh Đức, Phạm Thành/Rome (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục