Việt Nam dự Hội thảo Quốc tế thường niên về Biển Đông lần thứ 13 ở Mỹ

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao, khẳng định Việt Nam sẵn sàng giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình.
Việt Nam dự Hội thảo Quốc tế thường niên về Biển Đông lần thứ 13 ở Mỹ ảnh 1Đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Ngày 29/6 (theo giờ Việt Nam), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) đã tổ chức Hội thảo Quốc tế thường niên lần thứ 13 về Biển Đông dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, tham dự hội thảo có các nhà hoạch định chính sách, quan chức thuộc các bộ ngoại giao, quốc phòng của Mỹ, cùng nhiều chuyên gia, học giả nổi tiếng đến từ Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và Philippines.

Đáng chú ý là sự hiện diện của Hạ nghị sỹ Jennifer Kiggans thuộc đảng Cộng hòa - thành viên Ủy ban Quân lực Hạ viện và Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink.

Đoàn Việt Nam tham dự hội thảo do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao dẫn đầu.

[Thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông: Vì hòa bình và phát triển]

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, học giả thảo luận, phân tích những diễn biến ở khu vực Biển Đông trong năm qua, cũng như đưa ra những dự báo trong thời gian tới.

Các học giả, nhà nghiên cứu về biển, luật pháp quốc tế của Mỹ và các nước đã tập trung thảo luận 4 chủ đề chính về tình hình tại Biển Đông thời gian gần đây; những điểm mới về pháp lý và quản lý tranh chấp ở Biển Đông; sự tham gia của mạng lưới liên minh vào Biển Đông; và vai trò của các chủ thể bên ngoài như Nhóm Bộ Tứ, liên minh an ninh giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) và châu Âu.

Phát biểu tại hội thảo, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink nhấn mạnh chính sách của Mỹ tại Biển Đông là hỗ trợ mọi quốc gia thực hiện chủ quyền và theo đuổi lợi ích quốc gia của mình.

Mỹ tin rằng mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải tuân thủ những quy tắc như nhau, các nước lớn không nên "bắt nạt" những nước nhỏ hơn.

Việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông là một phần của tầm nhìn lớn hơn của chính quyền Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Do đó, Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác trong khu vực và trên thế giới để đảm bảo rằng bầu trời và vùng biển ở Biển Đông được quản trị và sử dụng theo luật pháp quốc tế và trên cơ sở tôn trọng lĩnh vực hàng hải dựa trên luật lệ.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh cho biết: “Cũng như mọi lần, sự tham gia của Việt Nam tại hội thảo lần này trước hết là để bày tỏ những quan điểm, lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, giải thích rõ tính chính nghĩa cũng như cơ sở pháp lý một cách rõ ràng về những yêu sách của Việt Nam tại Biển Đông, cả về chủ quyền lẫn yêu sách về vùng biển. Bên cạnh đó, muốn thể hiện một quan điểm tích cực mang tính xây dựng của Việt Nam là sẵn sàng giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình, để qua đó góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.”

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, nội dung chương trình hội thảo rất phong phú, các phiên thảo luận được đánh giá là rất có chất lượng. Bên cạnh đó, sự tham dự và phát biểu của các quan chức cấp cao trong chính quyền và Quốc hội Mỹ, đặc biệt là sự hiện diện của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Daniel Kritenbrink - một người rất am hiểu các vấn đề của khu vực cũng như quan hệ song phương, là một điểm nhấn tại cuộc hội thảo lần này./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục