Việt Nam dự Hội nghị lần 5 Hội đồng Chánh án các nước ASEAN

Ngày 24/3, Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN (CACJ) lần 5 đã được tổ chức tại thủ đô Badar Seri Begawan của Brunei, với sự tham dự của chánh án, đại diện chánh án 10 nước ASEAN.
Việt Nam dự Hội nghị lần 5 Hội đồng Chánh án các nước ASEAN ảnh 1Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Sơn Nam/TTXVN)

Ngày 24/3, Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN (CACJ) lần thứ năm đã được tổ chức tại thủ đô Badar Seri Begawan của Brunei, với sự tham dự của chánh án, đại diện chánh án 10 nước ASEAN.

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Tòa án Nhân dân Tối cao tham dự Hội nghị từ ngày 22-25/3 này.

Hội nghị lần thứ năm CACJ có vai trò quan trọng, trong bối cảnh Hội đồng Chánh án ASEAN đã được công nhận chính thức là một thực thể liên kết của ASEAN cùng với Hội đồng Nghị viện ASEAN (AIPA).

Hội nghị sẽ tập trung vào các chủ đề tiếp tục hoàn thành quy trình thể chế hóa Hội đồng Chánh án, xây dựng Cổng thông tin điện tử Tòa án các nước ASEAN, tống đạt giấy tờ tư pháp trong tố tụng dân sự tại ASEAN, quản lý tòa án và công nghệ tại Tòa án, đào tạo tư pháp, tranh chấp xuyên quốc gia liên quan đến trẻ em.

Tại Hội nghị, với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam Nguyễn Hòa Bình chính thức thông báo việc Hội đồng Chánh án ASEAN đã được công nhận là thực thể liên kết của ASEAN, được hưởng các quyền và nghĩa vụ như một thực thể liên kết chính thức từ ngày 19/1 vừa qua, thể hiện qua việc sửa đổi đề mục Phần 1, Phụ lục II, Hiến chương ASEAN thành “Nghị viện và Tòa án.”

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Hiến chương ASEAN hiện đã bao quát hết cả ba nhánh quyền lực nhà nước là lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Kỳ vọng rằng Hội đồng Chánh án ASEAN sẽ chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của ASEAN nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN năng động, hài hòa, dựa trên pháp luật, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Đây cũng là một cơ hội rất tốt để đưa ra những định hướng, sáng kiến mở rộng và nâng cao vai trò của Hội đồng Chánh án ASEAN, tích cực đóng góp vào nỗ lực chung nhằm củng cố và nâng cao hơn nữa quá trình hội nhập, hiện thực hóa các mục tiêu của ASEAN.

Trong các phiên thảo luận, Việt Nam đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến mang tính xây dựng về nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến thể chế hóa Hội đồng Chánh án ASEAN bao gồm việc thành lập Ban thư ký CACJ và hoạt động hợp tác đào tạo tư pháp giữa các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác bên ngoài khối.

Hội nghị đã nhất trí đề xuất lập Ban thư ký cho CACJ trong 5 năm tới, do đại diện của Chánh án Singapore là Tổng thư ký và đại diện của Chánh án Brunei làm Phó Tổng thư ký.

Về xây dựng Cổng thông tin điện tử Tòa án các nước ASEAN, với tư cách là Chủ tịch CACJ nhiệm kỳ 2016-2017, Chánh án Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên giữa CACJ, Tòa án Tối cao Singapore và Học viện Luật thuộc Tòa án Tối cao Singapore, chỉ định Học viện này làm đại diện cho CACJ trong việc xây dựng, phát triển và duy trì Cổng thông tin điện tử, nhận tài trợ từ Chính phủ Na Uy để thực hiện dự án, chịu trách nhiệm quản lý và chi tiêu quỹ này theo đúng hướng dẫn và chỉ đạo của CACJ.

Về tống đạt giấy tờ tư pháp trong tố tụng dân sự tại ASEAN, hội nghị nhất trí rằng các quốc gia cần sớm nộp báo cáo quốc gia về các quy định pháp luật về tống đạt giấy tờ trong tố tụng dân sự cho Nhóm nghiên cứu.

Sau đó, nhóm này sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật mẫu về tống đạt giấy tờ trong tố tụng dân sự trong nội bộ ASEAN để các tòa tham khảo.

Về quản lý án và công nghệ tại tòa án, hội nghị thống nhất các quốc gia xây dựng và gửi báo cáo về mô hình quản lý vụ kiện về Nhóm công tác.

Nhóm công tác sau đó phân tích, đưa ra đề xuất về quy trình quản lý vụ án để các nước tham khảo.

Tòa án Malaysia và Singapore cam kết tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tại tòa án cho các tòa án thành viên CACJ.

Về đào tạo tư pháp, hội nghị thống nhất trước mắt tập trung vào các lĩnh vực là thi hành quyền sở hữu trí tuệ, luật phá sản, hài hòa hóa luật thương mại ASEAN và luật môi trường.

Hội nghị ủng hộ việc chuyển khóa đào tạo chung tại Indonesia dự định vào tháng 10 tới sang tháng 1/2018.

Hội nghị nhất trí về cách tiếp cận mới trong đào tạo tư pháp, theo hướng tập trung, liên tục và đi vào chiều sâu nhằm đảm bảo hiệu quả đào tạo.

Về tranh chấp xuyên quốc gia liên quan đến trẻ em, hội nghị nghe Nhóm làm việc giới thiệu về tiến độ công việc mà Nhóm đã đạt được và kế hoạch hoạt động sắp tới của Nhóm.

Hội nghị phê chuẩn kế hoạch làm việc của Nhóm, bao gồm việc thành lập Nhóm thẩm phán gia đình để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm cũng như làm đầu mối liên lạc trong lĩnh vực này với các Chánh án quốc gia và tổ chức khóa đào tạo chuyên về hòa giải tranh chấp gia đình vào tháng 10​ tới tại Phillippines.

Kết thúc hội nghị, các chánh án và đại diện chánh án ASEAN đã ký bản tuyên bố chung khẳng định quyết tâm thế chế hóa Hội đồng Chánh án ASEAN và thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực tư pháp giữa các quốc gia trong khu vực nhằm đảm bảo sự hợp tác toàn diện phục vụ cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục