Việt Nam dự Hội chợ thực phẩm và đồ uống quốc tế

16 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia sự kiện lớn nhất đối với ngành sản xuất kinh doanh, thực phẩm và đồ uống SIAL Paris 2012.
16 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia Hội chợ Quốc tế Thực phẩm và Đồ uống (SIAL Paris-2012), khai mạc chiều ngày 21/10, tại Trung tâm triển lãm Paris Nord Villepinte, Paris (Pháp). Đây là một trong những sự kiện lớn và quan trọng bậc nhất đối với ngành sản xuất kinh doanh, thực phẩm và đồ uống toàn cầu, được tổ chức hai năm một lần tại Pháp. SIAL Paris năm nay thu hút sự tham gia của 5.800 doanh nghiệp đến từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với các sản phẩm là những đặc sản trong ngành chế biến nông sản thực phẩm được trưng bày trên diện tích 215.000 m2. Mặc dù cuộc khủng hoảng nợ công của EU vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng đây vẫn là thị trường quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong hoàn cảnh quá trình đàm phán Hiệp định thương mại (FTA) Việt Nam – EU đang được triển khai, mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt nhằm tăng cường xuất khẩu trong thời gian tới. Mười sáu doanh nghiệp tham gia Hội chợ lần này là những đơn vị có uy tín, năng lực sản xuất, xuất khẩu, xúc tiến thương mại thuộc lĩnh vực nông thủy sản, thực phẩm và đồ uống trên cả nước, thuộc các thành phần kinh tế khác nhau như, các công ty trách nhiệm hữu hạn, Cổ phần, Nhà nước 1 thành viên,…, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà nội, Bắc Giang, Ninh Bình, Quảng Nam, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Phú Quốc, Đồng Tháp… Sản phẩm trưng bày tại Khu gian hàng Việt Nam được chia thành 19 chủ đề gồm đồ uống, gia vị, rau quả, đồ biển, đồ đông lạnh, thịt, các loại sữa, đồ ăn chế biến sẵn... Tuy mẫu mã và chủng lọai các sản phẩm còn chưa thật phong phú, nhưng cách trưng của mỗi gian hàng đều mang sắc thái riêng, bắt mắt và thu hút sự chú ý của rất nhiều khách tham quan.

Gian hàng sản phẩm Hạt điều của Công ty Long Sơn
Ông Vũ Thành, Trung Tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Agritrade) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam, cho biết một trong những mục tiêu của đoàn Việt Nam tham gia Hôi chợ SIAL Paris, là nắm bắt quy định, rào cản kỹ thuật của thị trường Pháp và khu vực EU để có thể khai thác tốt hơn thị trường khó tính này và tìm kiếm cơ hội các cơ hội hợp tác, đầu tư sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp nước ngoài để phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng, đánh giá cao sự tham gia của 16 doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ SIAL Paris 2012, coi đây là một “thành công” trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của Việt Nam, và là “sự nỗ lực rất lớn” của Chính phủ và Agritrade trong việc tài trợ và giúp đỡ các doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế lớn tại Pháp. Đại sứ cho rằng Agritrade cần vận động sự tham gia tích cực hơn các doanh nghiệp Việt Nam và các hoạt động này có thể nâng số lượng các doanh nghiệp tham gia lên đến 30 hoặc 40 đơn vị. Ông nhấn mạnh tham gia hoạt động thương mại này, các doanh nghiệp không chỉ có dịp gặp gỡ, giao lưu quảng bá sản phẩm của mình, phát triển hệ thống đối tác, mà còn có cơ hội tìm kiếm bạn hàng, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về cung cách làm ăn của các bạn hàng trong khu vực, nhằm cải tiến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh quá trình hội nhập vào cộng đồng kinh tế quốc tế khu vực và trên thế giới. Đánh giá về tiền năng của thị trường Pháp và Châu Âu trong lĩnh vực này, Đại sứ cho biết, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản thực phẩm ở khu vực này mấy năm gần đây vẫn ổn định, nhất người tiêu dùng nơi đây biết đến các sản phẩm lương thực của Việt Nam ngày càng nhiều như phở khô, bún khô và các món ăn truyền thống của Việt nam. Các mặt hàng này ngày cang có xu hướng tăng lên chiếm lĩnh thị trường truyền thống này. Hơn nữa, hiện nay các nước phát triển trên thế giới, nhất là Châu Âu và Nhật, xu hướng tiêu thụ sản phẩm sạch (produits bio) ngày càng phát triển, đây là một “thế lợi” của hàng nông sản Việt nam (lương thực, hoa quả...). Đại sứ bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy nguồn nông phẩm sạch, tự nhiên để chinh phục các thị trường này. Ngoài ra, Đại sứ kêu gọi các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, chú trọng cải tiến công nghệ năng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Châu Âu, xây dựng mạng lưới khách hàng để có thể tăng giá trị thặng dư cho mỗi sản phẩm và tăng doanh thu cho các doanh nghiệp. Về phần mình, ông Nguyễn Cảnh Cường, tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cho biết, thị trường Liên Minh Châu Âu với 27 nước thành viên, tiếp tục là “thị trường quan trọng hàng đầu” và còn “nhiều tiềm năng” để phát triển đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong đó có ngành hàng nông thủy sản, thực phẩm và đồ uống. Trong khi cuộc khủng hoảng nợ công tại EU chưa được giải quyết hoàn toàn, việc suy giảm nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam là điều có thể xảy ra nhưng sẽ “chỉ trong thời gian ngắn”, đặc biệt là với ngành nông, thủy sản, thực phẩm và đồ uống. Theo ông, suy giảm kinh tế và khủng hoảng nợ công tại EU khiến nhu cầu đối với các loại nông thủy sản, thực phẩm hợp lý tăng tương đối so với các sản phẩm cùng loại giá cao. Vì thế, lương thực – thực phẩm của Việt Nam có cơ hội để mở rộng thêm thị phần, thâm nhập sâu hơn vào hệ thống phân phối nông sản, thực phẩm và đồ uống tại thị trường EU. Đa số lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia cho rằng vì đây là những thị trường “khó tính”, nên việc giữ uy tín, đảm bảo chất lượng, thương hiệu, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái,... được đặt ra như một vấn đề “cấp thiết sống còn” của mỗi doanh nghiệp. Hội chợ thu hút 150.000 khách đến tham quan, giao dịch tìm kiến thị trường và sẽ đóng cửa vào ngày 25 tháng 10 năm 2012./.
Lê Hà –Nguyễn Tuyên/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục