Diễn đàn Năng lượng hạt nhân quốc tế AtomExport-2016 lần thứ VIII diễn ra từ ngày 30/5-1/6 tại thủ đô Moskva, Liên bang Nga đã ghi nhận con số kỷ lục về số người tham dự với 508 đại biểu đến từ 55 quốc gia trên thế giới cùng hơn 450 cơ quan truyền thông, trong đó có 240 cơ quan truyền thông nước ngoài.
Việt Nam cũng cử đại diện Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan truyền thông từ trong nước sang tham dự để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm phục vụ việc xây dựng Nhà máy điện Ninh Thuận I ở Việt Nam.
Diễn đàn do Tập đoàn Năng lượng quốc gia Liên bang Nga ROSATOM tổ chức với các hoạt động hội thảo, triển lãm, trưng bày các trang thiết bị, các công nghệ hạt nhân mới tiên tiến nhất.
Nội dung của diễn đàn lần này gồm 2 phần chính: “Năng lượng hạt nhân là cơ sở để cân bằng năng lượng không khí thải” và “Tương lai của năng lượng hạt nhân. Những người tham gia mới.” Trong 3 ngày hoạt động đã có hơn 5.000 người đến tham quan.
Tại diễn đàn, Tổng Giám đốc ROSATOM Sergey Kiriyenko nhận định rằng sự phát triển hiện đại của năng lượng hạt nhân sẽ đảm bảo cung cấp năng lượng cho người tiêu dùng với giá thành ổn định, đồng thời góp phần đáng kể vào việc hạn chế khí thải CO2 ra môi trường sống.
Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới hiện đang giúp làm giảm khoảng 56 tỷ tấn CO2 thải ra môi trường, riêng các nhà máy điện hạt nhân tại Nga đến năm 2030 sẽ giúp làm giảm khoảng 711 triệu tấn.
Liên quan đến Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I mà Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng, theo ông Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, phải sau 1-2 năm nữa mới có thể nói cụ thể ngày tháng khởi công xây dựng do Việt Nam đã chủ động lùi thời gian này để nâng cao các yêu cầu về tiêu chuẩn an ninh hạt nhân, đặc biệt là sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.
Tuy vậy, các công tác chuẩn bị như đào tạo cán bộ cho nhà máy vẫn đang được tiến hành tích cực./.