Việt Nam dự diễn đàn Bộ trưởng hợp tác khu vực Ấn Độ Dương-TBD

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang là khu vực trọng điểm về các vấn đề an ninh, kinh tế, công nghệ và môi trường và đây là lý do tại sao chiến lược địa chính trị của châu Âu phải hướng tới khu vực này.
Việt Nam dự diễn đàn Bộ trưởng hợp tác khu vực Ấn Độ Dương-TBD ảnh 1Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 22/2, Hội nghị Bộ trưởng hợp tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã diễn ra tại thủ đô Paris.

Hội nghị là một trong những sự kiện mà Pháp chủ trì trong khuôn khổ nước này đảm trách cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU).

Với mục đích tăng cường hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hội nghị đã thu hút sự tham gia của ngoại trưởng và đại diện 27 nước thành viên EU, cũng như gần 30 quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cùng với sự hiện diện của lãnh đạo các tổ chức khu vực và quốc tế. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã tham dự sự kiện này.

Hội nghị được bắt đầu bằng phiên họp toàn thể dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian và Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU, Joseph Borrell.

Phát biểu chào mừng hội nghị, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang là khu vực trọng điểm về các vấn đề an ninh, kinh tế, công nghệ và môi trường. Đây là lý do tại sao chiến lược địa chính trị của châu Âu trong thế kỷ 21 phải hướng tới khu vực này.

Ông cho rằng trách nhiệm của EU là cùng với các đối tác trong khu vực xây dựng mối quan hệ hợp tác trên tinh thần tôn trọng chủ quyền của tất cả, phù hợp với luật pháp quốc tế, phát triển bền vững và "vì một chủ nghĩa nhân văn tương xứng với những biến động của thời đại."

Chia sẻ quan điểm của Ngoại trưởng Pháp, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Joseph Borrell cũng cho rằng trong thế kỷ 21, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn cầu, và đó cũng lý do EU mong muốn phát triển hợp tác với khu vực này vì sự thịnh vượng chung. Ông Joseph Borrell khẳng định cuộc họp chính là dịp để các bên tăng cường quan hệ đối tác thông qua các dự án hợp tác cụ thể.

Nhân dịp này, các Bộ trưởng Ngoại giao đến từ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã phát biểu, trong đó có Bộ trưởng Prak Sokhonn của Campuchia, nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Bộ trưởng Retno Marsudi của Indonesia, đại diện Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), và đại diện của hai quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược với EU, là Bộ trưởng Subrahmanyam Jaishankar từ Ấn Độ và Yoshimasa Hayashi từ Nhật Bản.

Đại diện các nước, các tổ chức trong khu vực đều bày tỏ mong muốn sẵn sàng thúc đẩy và tạo điều kiện để các dự án cụ thể được triển khai hiệu quả, góp phần vào sự thịnh vượng, hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.

Sau phiên toàn thể, các đại biểu đã tham gia vào các cuộc tọa đàm về ba chủ đề chính bao gồm sự kết nối và kỹ thuật số; các vấn đề toàn cầu (khí hậu, đa dạng sinh học, đại dương và sức khỏe) ; an ninh và quốc phòng. Do dịch bệnh COVID-19 nên các cuộc tọa đàm diễn ra song song dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại phiên tọa đàm về các vấn đề kết nối và kỹ thuật số, các đại biểu nêu bật chiến lược "Cổng toàn cầu" (Global Gateway) được Ủy ban châu Âu (EC) thông qua vào tháng 12/2021, trong đó chú trọng việc thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng hàng đầu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tăng cường các hình thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, hỗ trợ trao đổi các trường đại học, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

[Chính quyền Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Tại phiên thảo luận về các vấn đề toàn cầu, các đại biểu tập trung vào các dự án cụ thể có khả năng đáp ứng thách thức của cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu và các tác động tiêu cực của nó, hỗ trợ nền kinh tế xanh và tăng cường hành động của châu Âu trong cuộc chiến chống ô nhiễm biển và đánh bắt cá bất hợp pháp, xây dựng các liên minh "xanh lá cây và xanh nước biển" với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việt Nam dự diễn đàn Bộ trưởng hợp tác khu vực Ấn Độ Dương-TBD ảnh 2Nhóm Bộ tứ cam kết thúc đẩy an ninh, thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong lĩnh vực y tế, các đại biểu đặc biệt quan tâm vấn đề tăng cường hệ thống ứng phó với đại dịch và phát triển hợp tác vaccine, bao gồm cả việc thành lập các trung tâm sản xuất dược phẩm.

Trong phiên thảo luận thứ ba về vấn đề an ninh và quốc phòng, các đại biểu đã nêu bật đóng góp của EU và các quốc gia thành viên đối với an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các cuộc thảo luận tập trung vào việc thiết lập "sự hiện diện phối hợp trên biển" (PMC) ở Ấn Độ Dương hoặc về các sáng kiến như Dự án các tuyến hàng hải trọng yếu tại Ấn Độ Dương (CRIMARIO) từ năm 2015 nhằm tăng cường hệ thống chia sẻ thông tin khu vực và điều phối hoạt động, hoặc chương trình Tăng cường Hợp tác An ninh trong và với châu Á (ESIWA) về an ninh hàng hải, an ninh mạng và cuộc chiến chống khủng bố và xu hướng cực đoan.

Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng đối với EU và các quốc gia thành viên. Nhiều lãnh thổ hải ngoại của các nước thành viên EU cũng nằm trong khu vực này. Vai trò và vị thế ngày càng gia tăng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong các vấn đề hiện tại, cũng như trên cán cân địa chính trị trong tương lai khiến khu vực này trở thành một địa bàn quan trọng đối với châu Âu. Việc trao đổi kinh tế giữa EU và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương góp phần đáng kể vào sự thịnh vượng chung của cả hai khu vực.

Diễn đàn Bộ trưởng hợp tác khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương lần này là bước đi quan trọng trong việc biến nghị quyết thành hành động, cụ thể hóa Chiến lược của EU về hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã được Hội đồng châu Âu thông qua vào tháng 10/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục