Việt Nam dự COP 26: Đoàn kết để giải quyết thách thức biến đổi khí hậu

Tham dự COP 26, Việt Nam mong muốn truyền đi thông điệp về những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong ứng phó với thách thức này.
Mưa lớn gây ngập lụt ở Hà Tĩnh. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, đang đặt ra những thách thức to lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.

Tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) diễn ra tại thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh từ ngày 31/10-12/11, Việt Nam mong muốn truyền đi thông điệp về những thách thức, tác động nghiêm trọng và sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tác động khốc liệt hiện hữu của biến đổi khí hậu ở khắp các châu lục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát căng thẳng, bất ổn địa chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh và sự phát triển thịnh vượng ở nhiều khu vực trên thế giới. Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang tạo ra những tranh chấp tài nguyên thiên nhiên giữa các cộng đồng dân cư, buộc hàng chục triệu người phải tha hương tìm sinh kế, kích hoạt các mối đe dọa xuyên biên giới về an ninh sinh thái, môi trường, lương thực hay nguồn nước.

Tác động khốc liệt

Báo cáo về khí hậu do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc công bố ngày 25/10/2021 cho thấy mật độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển đã tăng lên mức kỷ lục mới trong năm 2020 và nhiều khả năng xu hướng tăng này sẽ tiếp tục trong năm 2021.

Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo với việc khí phát thải tiếp tục tăng cùng với việc nhiệt độ tăng cao, con người có thể hứng chịu thêm nhiều thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, mưa lớn, băng tan hay mực nước biển tăng. Tất cả điều này sẽ gây ra những tác động kinh tế-xã hội nghiêm trọng.

Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas nhấn mạnh con người cần biến cam kết thành hành động, để từ đó cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Con người không có thời gian để mất và cần có những thay đổi cần thiết để ngăn chặn tình trạng này, ngay cả khi những thay đổi này được trả bằng tiền hoặc được thực hiện bằng công nghệ.

Theo dự thảo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu tới đời sống nhân loại đã đưa ra những con số đáng báo động. Trong giai đoạn 2015-2019, ước tính 166 triệu người, chủ yếu tại châu Phi và Trung Mỹ, cần được viện trợ nhân đạo do tình trạng thiếu lương thực khẩn cấp liên quan tới tác động của biến đổi khí hậu.

Do các hiện tượng thời tiết cực đoan, sức lao động của con người sẽ giảm, theo đó số ngày làm việc trong năm của phần lớn người dân tại Nam Á, khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara và nhiều vùng ở Trung và Nam Mỹ sẽ giảm 250 ngày vào năm 2100.

Nếu không giảm lượng khí thải, hơn 85 triệu người ở châu Phi cận sa mạc Sahara vào năm 2050 sẽ mất nhà cửa do tác động của biến đổi khí hậu. Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1,5 độ C, số lượng người bị ảnh hưởng do lũ lụt tại Colombia, Brazil và Argentina sẽ tăng cao gấp 2-3 lần, tại Ecuador và Uruguay tăng gấp 4 lần và tại Peru sẽ tăng gấp 5 lần.

Trong khi đó, tại châu Á, dự báo số người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì các tác động của biến đổi khí hậu sẽ tăng gấp 6 lần trong giai đoạn 2020-2050.

Trong báo cáo thường niên về tình hình khí hậu ở châu Á, Tổ chức Khí tượng Thế giới nêu rõ nhiệt độ trung bình ở châu Á trong năm 2020 cao hơn 1,39 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1981-2010. Thời tiết khắc nghiệt và tình trạng biến đổi khí hậu xảy ra trên khắp châu Á trong năm vừa qua đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, khiến hàng triệu người khác phải di dời chỗ ở, tiêu tốn hàng trăm tỷ USD, đồng thời tàn phá cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái.

Các trận lũ lụt và bão xảy ra năm 2020 đã ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người dân châu Á, trong đó 5.000 người thiệt mạng. Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt cũng để lại những hệ lụy kinh tế-xã hội như: thời gian di dời do thảm họa thời tiết tại một số khu vực ở châu Á bị kéo dài khiến nhiều người dân không thể trở về nhà hoặc tái hòa nhập cộng đồng. Nhiệt độ và độ ẩm tăng cao được dự báo cũng dẫn đến quỹ thời gian làm việc ngoài trời bị rút ngắn, gây thiệt hại hàng tỷ USD…

Nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính

Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu là một hiệp ước quốc tế về môi trường được đàm phán tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển, thường được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil) từ ngày 3-14/6/1992.

Mục tiêu của Hội nghị là ổn định các nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu. Công ước khung có hiệu lực từ ngày 21/3/1994, với số thành viên phê chuẩn là 197 nước. Việt Nam phê chuẩn Công ước từ ngày 16/11/1994. Cơ quan đầu mối thực thi Công ước là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) là hội nghị thường niên tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Các kỳ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã giúp nhân loại nhận thức rõ mối nguy hiểm từ biến đổi khí hậu, giúp các nước xích lại gần nhau, đoàn kết để bảo vệ trái đất, bảo vệ chính mình.

Lần đầu tiên Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được tổ chức vào năm 1995 tại Berlin (Đức). Những dấu mốc của Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu là COP 3 diễn ra vào tháng 12/1997 tại Kyoto (Nhật Bản) với Nghị định thư Kyoto, COP 11 diễn ra từ 28/11 tới 9/12/2005, tại Montreal (Canada) với chương trình hành động Montreal và thất bại của COP 15 diễn ra vào tháng 12/2009 ở Copenhagen (Đan Mạch) với việc không đạt được thỏa thuận ràng buộc.

Năm 2015, Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) diễn ra tại Paris (Pháp), mọi quốc gia đồng ý hợp tác cùng nhau để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và đặt mục tiêu mức này chỉ là 1,5 độ C, để thích ứng với tác động của biến đối khí hậu và sẵn sàng dành chi phí để thực hiện những mục tiêu này.

Các quốc gia cam kết đưa ra các kế hoạch quốc gia và đề ra mức độ giảm lượng khí thải của mình - được gọi là Đóng góp Quốc gia tự quyết định và nhất trí cứ sau 5 năm, sẽ quay lại nhóm họp với một kế hoạch cập nhật.

Rừng phòng hộ phi lao trơ gốc, có thể bị đổ ngã bất cứ lúc nào do xâm thực biển ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Việt Nam luôn thể hiện là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tại COP 21, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời tuyên bố, Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020.

Về đóng góp giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng đã tích cực thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, tăng trưởng xanh và tăng cường thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có tiềm năng trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, chất thải cũng như tăng cường khả năng hấp thụ carbon trong lĩnh vực sử dụng đất…

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) đã lùi lại một năm (từ tháng 11/2020 đến 11/2021). Vì thế, COP 26 lần này là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn nhất kể từ hội nghị lịch sử ở Paris năm 2015 và được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến quan trọng trong việc đặt ra các mục tiêu về khí thải trên toàn thế giới nhằm làm chậm lại quá trình Trái Đất ấm lên; cơ hội để giúp thế giới phục hồi sau đại dịch theo hướng thân thiện với biến đổi khí hậu…

[VN thể hiện vai trò chủ động, tích cực trong ứng phó biến đổi khí hậu]

Trong thời gian này, nước chủ nhà sẽ làm việc với các quốc gia tham dự để đạt được thỏa thuận về cách đối phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 6 của Liên minh các Bộ trưởng Tài chính vì hành động khí hậu, theo hình thức trực tuyến, các đại biểu đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hòa bình và an ninh quốc tế, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tăng cường hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ: "COP26 phải là một bước ngoặt nếu chúng ta thực hiện cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, bảo vệ người dân trước các tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, đảm bảo rằng tất cả các dòng tài chính đều phù hợp với các mục tiêu trung hòa khí thải và phát triển bền vững."

Tổng Thư ký Antonio Guterres kêu gọi các nước tăng cường nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, tạo đột phá trong thích ứng và nâng cao khả năng tự cường của các quốc gia và cộng đồng dân cư; kêu gọi các nước phát triển thực hiện đúng cam kết đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm cho Quỹ Khí hậu Xanh.

Đồng thời, Tổng Thư ký Antonio Guterres kêu gọi các nước tăng cường hợp tác đa phương nhằm giải quyết thách thức đan xen về khí hậu và an ninh, tận dụng tính bổ trợ lẫn nhau giữa các hoạt động thích ứng khí hậu và xây dựng hòa bình.

Tại Hội nghị COP 26 lần này, các bên sẽ tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng, đánh giá nỗ lực của các quốc gia trong việc thực hiện cam kết đến năm 2020; đưa ra cam kết cho giai đoạn đến năm 2030 và sau 2030 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, đóng góp tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực. Bên cạnh đó, các bên sẽ thảo luận về trình tự, thủ tục, thông tin cần thiết để đánh giá nội dung cam kết và việc thực hiện cam kết của một quốc gia...

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Nhận thấy sự cấp thiết trong việc hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ tham dự COP 26 lần này, Việt Nam mong muốn truyền đi thông điệp về những thách thức, tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việc ứng phó với biến đổi khí hậu cần dựa trên cơ sở hài hòa với quyền và lợi ích của các quốc gia; thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, đa phương, các tổ chức quốc tế, tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục