Các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định thời gian tới, nhiều khu vực trên cả nước sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn nước; khô hạn, thiếu nước cục bộ ở Tây Nguyên; xâm nhập mặn diễn ra gay gắt ở đồng bằng sông Cửu Long.
Đáng chú ý, đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng sẽ tập trung vào tháng Hai, từ ngày 9-15/2, trùng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Nguồn nước thiếu hụt từ 20-50%
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết nguồn nước từ tháng Hai đến tháng Bảy trên các lưu vực sông ở khu vực miền Bắc phổ biến thiếu hụt từ 20-50%; trong đó lưu vực thiếu hụt nguồn nước nhiều nhất là sông Thao và hạ lưu sông Lô.
Trong tháng Hai, vùng hạ lưu sông Hồng vượt trung bình nhiều năm từ 10-20%. Mực nước thấp nhất hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt mức từ 0,2-0,3m vào tháng Hai hoặc tháng Ba. Từ tháng Sáu đến tháng Bảy, trên các lưu vực sông Bắc Bộ xuất hiện các đợt lũ vừa và nhỏ, đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức báo động 1.
Tương tự, tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, từ nửa cuối tháng Một đến tháng Tư, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm và theo xu thế xuống dần. Lưu lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-30%.
[Tết Tân Sửu 2021 ấm, có khả năng xảy ra mưa phùn về đêm và sáng]
Riêng các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Ninh Thuận và Bình Thuận mức nước thấp hơn trung bình nhiều so với cùng kỳ từ 20-50%.
Từ tháng Năm đến tháng Bảy, trên thượng lưu các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1-2 đợt dao động. Mực nước trên các sông biến đổi chậm và dao động theo điều tiết hồ chứa.
Lưu lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều cùng kỳ từ 10-50%. Riêng các sông ở Nghệ An, Ninh Thuận và Bình Thuận thấp hơn trung bình nhiều cùng kỳ trên 50%.
Với xu thế trên, ông Lâm nhận định nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ rơi vào khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng Tư, sau đó mở rộng ra các tỉnh khác ở Trung Bộ.
Xâm nhập mặn cao nhất vào dịp Tết Nguyên đán
Về xu thế xâm nhập mặn trong năm 2021, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết dòng chảy thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long đang suy giảm. Theo đó, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế gia tăng từ cuối tháng Một.
Ủy hội sông Mekong quốc tế cũng đưa ra nhận định tổng lượng dòng chảy trong tháng Hai, từ thượng nguồn sông Mekong (tại Campuchia) về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, khoảng 5-15%; từ tháng Ba đến tháng Năm, khả năng ở mức tương đương trung bình nhiều năm.
Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng mùa khô năm 2021 biến đổi theo triều và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,3m.
Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng Hai (từ ngày 10-15/2 và từ 26/2-2/3), tháng Ba (từ ngày 12-16/3 và từ ngày 25-29/3). Riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn thì xâm nhập mặn tập trung vào tháng Ba, tháng Tư (từ 09-14/4, từ 24-28/4), sau giảm dần. Phạm vi xâm nhập mặn (4g/l) tại các cửa sông Cửu Long khoảng 55-75km, trên các sông Vàm Cỏ từ 80-95km; sông Cái lớn từ 45-52km.
Đáng chú ý, theo cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn nhiều biến động trong thời gian tới.
Vì vậy, cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia khuyến nghị các địa phương ở vùng đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn./.