Việt Nam đối diện nguy cơ cạn kiệt tài nguyên nước

Nước là tư liệu quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động sản xuất, không có nước thì không thể phát triển kinh tế và ổn định xã hội. 
Việt Nam đối diện nguy cơ cạn kiệt tài nguyên nước ảnh 1Thông điệp của ngày Nước thế giới năm 2013: "Nếu chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng có cơ hội sử dụng nước." (Ảnh: TTXVN)

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, việc gia tăng đô thị và công nghiệp hóa quá nhanh, trong khi thiết bị xử lý nước còn lạc hậu đã khiến nguồn nước tại nhiều thành phố ở Việt Nam bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng.

Tại hội thảo “Sáng kiến hợp tác về nước vì đô thị bền vững tại Việt Nam” tổ chức ngày 16/12, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện Việt Nam đang có gần 800 đô thị, dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.

Về dân số, hiện nước ta cũng đang đứng thứ 13 toàn cầu, trong đó có đến 33% sống ở khu vực đô thị và nhiều khả năng sẽ đạt 50% vào năm 2030.

"Việc phát triển đô thị và gia tăng dân số đã dẫn tới nhu cầu sử dụng nước ở các đô thị ngày càng lớn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng đô thị chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu cấp nước sạch cũng như các thiết bị cũ kỹ là nguyên nhân khiến nguồn nước tại nhiều thành phố bị cạn kiệt," Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận.

Đồng tình quan điểm trên, ông Tống Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cho biết, sự gia tăng dân số và phát triển đô thi đã khiến nguồn nước ngầm tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quy Nhơn đứng trước nhiều thách thức nan giải.

Ông Thanh cũng cho biết, nước là tư liệu quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động sản xuất, không có nước thì không thể phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Bởi vậy, nước đã trở thành tài nguyên chiến lược thứ hai sau tài nguyên con người, điều này đã được khẳng định trong rất nhiều diễn đàn quan trọng trên thế giới.

Tuy nhiên, “quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu đã và đang làm suy thoái nguồn nước và việc sử dụng, quản lý và bảo vệ nguồn nước một cách bền vững hiện vẫn chưa được coi trọng một cách thỏa đáng,” ông Thanh lưu ý.

Để giải quyết thực trạng trên, các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng Việt Nam rất cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngành sử dụng nước trong cả nước và quốc tế, để sao cho việc quy hoạch, quản lý tổng hợp tài nguyên nước được lồng ghép trong các kế hoạch phát triển đô thị và kinh tế-xã hội.

Hội thảo “Sáng kiến hợp tác về nước vì đô thị bền vững tại Việt Nam,” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia phối hợp với trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trường Đại học Quốc gia Singapore, Viện Deltares (Hà Lan) tổ chức.

Tại hội thảo, hơn 30 báo cáo khoa học và tham luận từ nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế đã tập trung vào các nội dung chính sách liên quan đến tài nguyên nước đô thị như: Quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước; cơ chế, chính sách quản lý nước mưa; phát triển công nghệ xanh…

Những kết quả thu được tại hội thảo sẽ góp phần cung cấp cho Việt Nam những thông tin, bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, để góp phần phát triển bền vững tài nguyên nước tại các đô thị ở Việt Nam./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục