Việt Nam: Điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn cho các doanh nghiệp ngoại

Việt Nam đang có thế mạnh và được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho nhà đầu tư; đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, điện tử, sản xuất chất bán dẫn.

Hệ thống kho lưu trữ Cobi Logis phục vụ logistics của Tập đoàn Cobi đặt tại Khu công nghiệp Long Hậu (Cần Giuộc), tỉnh Long An. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Hệ thống kho lưu trữ Cobi Logis phục vụ logistics của Tập đoàn Cobi đặt tại Khu công nghiệp Long Hậu (Cần Giuộc), tỉnh Long An. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Các dự báo gần đây cho thấy, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ hồi phục mạnh trong năm 2024 và có thể đạt giá trị 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Được nhận xét là quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo bài bản, Việt Nam đang có thế mạnh và được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho nhà đầu tư; đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, điện tử, sản xuất chất bán dẫn.

Được mùa thu hút FDI

Năm 2023, đi qua trong sự khó khăn và nhiều bất lợi khiến nền kinh tế chưa thể bứt phá như mong muốn. Tuy vậy, hoạt động thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn thu được một số thành quả đáng ghi nhận và quan trọng là tiếp tục “điểm sáng” của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2023 đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022.

Trong tổng vốn đăng ký trên thì vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với năm 2022. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%.

Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với năm trước. Mức giải ngân vốn FDI cũng đạt con số cao kỷ lục, khoảng 23,18 tỷ USD và tăng 3,5% so với năm 2022.

Những số liệu và diễn biến trên rất ấn tượng, thậm chí còn cao hơn những dự báo lạc quan nhất trong thời điểm đầu năm 2023. Điều này, thể hiện sức hấp dẫn và khả năng thích ứng, cũng như hiệu quả cạnh tranh về chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam trong cuộc đua mời gọi đầu tư ngày càng quyết liệt trên toàn cầu.

Trên thực tế, Việt Nam đang ngày càng chủ động, chuyên nghiệp hơn trong chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư, chăm sóc dự án FDI một cách bài bản, toàn diện.

Đó là việc nhiều địa phương đã xác định rõ định hướng và tập trung đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Hàng loạt động thái chuẩn bị mang tên “sẵn sàng” gồm sẵn sàng về quy hoạch, sẵn sàng về hạ tầng, sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực…bên cạnh sự quyết tâm, liên tục thực hiện cải cách hành chính, đồng hành cùng nhà đầu tư nước ngoài.

Là địa phương có diện tích nhỏ nhất nước nhưng Bắc Ninh là một trong những địa phương có tổng vốn FDI lớn của cả nước và luôn là điểm sáng về thu hút FDI. Năm 2023, toàn tỉnh thu hút FDI đạt gần 1,7 tỷ USD.

Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, mục tiêu của tỉnh là hợp tác đầu tư gắn với phát triển bền vững, khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm.

Giải pháp nâng cao cơ hội

Dù năm 2024, kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ còn rất nhiều khó khăn khi tình hình thế giới khó đoán định, nhưng về dài hạn, Việt Nam được các Tổ chức nước ngoài đánh giá vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam khẳng định: Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong 2 hoặc 3 năm tới.

ttxvn-1601fdibinhduong-6570.jpg
Khu Công nghiệp Tân Đông Hiệp B, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đặc biệt, trong chuyến thăm và làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) mới đây, ông Jensen Huang, CEO Tập đoàn NVIDIA - doanh nghiệp sản xuất chip lớn nhất thế giới - nhấn mạnh: Việt Nam có điểm khởi đầu rất tốt để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đó chính là con người. Hơn nữa, trong số các nhà khoa học máy tính trên toàn cầu, có rất nhiều người Việt Nam.

Còn ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài cho rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2023 tạo tiền đề thuận lợi cho thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2024.

Bởi, Việt Nam đang có rất nhiều kinh nghiệm trong thu hút FDI. Đặc biệt trong quan hệ quốc tế, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt - Hoa Kỳ đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới dòng vốn FDI từ Mỹ, châu Âu vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam có tiềm lực về đất hiếm và là nguyên vật liệu quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, phát triển vi mạch, điện tử.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết Thành phố Hà Nội sẽ chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng, bảo vệ môi trường. Đồng thời, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất gắn với đào tạo nhân lực.

Theo ông Nguyễn Công Thắng, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh đang khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quỹ đất để sẵn sàng đón các doanh nghiệp lớn. Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh đã giải quyết cho nhiều doanh nghiệp cấp giấy chứng nhận đầu tư và các giấy phép khác chỉ từ 3-5 ngày.

Để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay Chính phủ đã giao các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng cho việc đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành bán dẫn tại Việt Nam.

Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030. Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện giai đoạn cuối việc xây dựng Chiến lược và sẽ sớm trình Chính phủ thông qua.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn.

Liên quan đến thiết kế chip, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và ký hợp tác với 2 tập đoàn thiết kế chip lớn nhất của Hoa Kỳ là Synopsys và Garden để thành lập trung tâm nghiên cứu, thiết kế chip trong các cơ sở của NIC.

Về hạ tầng đất đai, các địa phương đã đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hình thành các mặt bằng sạch để có thể cung cấp cho các doanh nghiệp bán dẫn. Cùng đó, hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay cũng đang được tăng cường.

Như vậy, các yếu tố như hạ tầng cứng, mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực đều thể hiện rằng sự chỉ đạo của Chính phủ rất kịp thời để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong ngành bán dẫn toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục