Sáng nay, 12/4, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tại Tọa đàm hợp tác giáo dục Việt Nam – Vương quốc Anh.
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã bày tỏ mong muốn Ngoại trưởng Anh Philip Hammond với vai trò của mình, có thể có những tác động tới Chính phủ Anh, các trường đại học và các cơ quan giáo dục của Anh để có những chính sách hỗ trợ hơn nữa cho giáo dục Việt Nam.
Cụ thể, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nêu rõ các điểm cơ bản Việt Nam đang cần sự hỗ trợ của Ngoại trưởng Philip Hammond nói riêng và Vương quốc Anh nói chung.
Thứ nhất là việc sớm thành lập Đại học Việt-Anh trên cơ sở phát triển Viện nghiên cứu và đào tạo Việt-Anh, trực thuộc Đại học Đà Nẵng, đã được ra mắt vào tháng 10/2014.
Thứ hai, Thứ trưởng Ga cũng mong phía Vương quốc Anh sẽ giúp Việt Nam xây dựng trung tâm khảo thí tiếng Anh để góp phần thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020. Theo ông Ga, việc thành lập trung tâm khảo thí này có vai trò rất quan trọng trong đào tạo ngoại ngữ cho nhân lực Việt Nam trong môi trường làm việc quốc tế.
Thứ ba là việc thỏa thuận công nhận các văn bằng của hai bên.
Thứ tư, ông Ga đề nghị Vương quốc Anh tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, chia sẻ những kinh nghiệm quản lý giáo dục.
Thứ năm, Việt Nam mong Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ kinh nghiệm cần thiết để xây dựng khung trình độ quốc gia tương thích với khung trình độ châu Âu.
Ông Ga cũng cho biết, hiện có rất nhiều sinh viên Việt Nam muốn sang du học tại Anh. Vì thế, ông hy vọng Ngoại trưởng Anh, Chính phủ Anh có thể có các tác động để tạo thuận lợi hơn cho du học sinh Việt Nam như chính sách hỗ trợ từ các trường đại học hay phía Anh tạo thuận lợi hơn trong việc cấp visa.
Trước những đề nghị này của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho khẳng định Việt Nam và Vương quốc Anh đã có những hợp tác tốt đẹp và giáo dục là lĩnh vực chính trong hợp tác song phương giữa hai quốc gia.
Ông cũng bày tỏ mong muốn sự hợp tác này sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.
“Việt Nam đã phát triển rất nhiều trong lĩnh vực giáo dục và dạy nghề, nhất là đào tạo tiếng Anh, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế và duy trì sự cạnh tranh. Chúng tôi cũng mong chờ được hỗ trợ tích cực hơn nữa cho quá trình này,” ông Philip Hammond nói.
Ngoại trưởng Philip Hammond cho biết phía Anh cũng rất quan tâm đến những vấn đề giáo dục của Việt Nam như việc viết sách giáo khoa, vấn đề công nhận bằng cấp giữa hai bên.
“Tuy nhiên, cũng có những thách thức trong lĩnh vực. Chúng ta cũng cần nhận biết cơ hội và thách thức cần đối mặt để có lực lượng lao động được công nhận là có chất lượng. Chúng tôi sẽ hỗ trợ trong lĩnh vực này. Tôi cũng mong nhận được sự hỗ trợ từ các địa phương. Chúng tôi muốn được xác nhận sự sẵn lòng và quyết tâm để cùng nhân rộng chất lượng lao động của Việt Nam,” Ngoại trưởng Philip Hammond nói.
Hiện sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đang được thực hiện theo bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục giữa Chính phủ hai nước ký năm 2008. Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Hội đồng Anh và Tổ chức quốc tế đại học Vương quốc Anh cũng đã ra tuyên bố chung về hợp tác giáo dục đại học.
Các hoạt động triển khai cụ thể gồm dự án trường Đại học Việt-Anh, diễn đàn hợp tác giáo dục Việt – Anh, các dự án triển khai thông qua Hội đồng Anh (dự án kết nối lớp học, quốc tế hóa giáo dục, biến đổi khí hậu…)
Hiện chưa có học bổng diện hiệp định giữa Chính phủ hai nước. Thống kê của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho thấy hiện có hơn 9.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tại Anh tại Anh, trong đó 95% là đi học theo diện tự túc kinh phí. Số lưu học sinh lưu học sinh đang học tập, nghiên cứu tại Vương quốc Anh theo các chương trình học bổng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý là 133 người (tính đến tháng 8/2015)./.