Việt Nam đề xuất năm trọng tâm hợp tác tại Diễn đàn Đối thoại hợp tác châu Á

Trong bối cảnh tình hình thế giới hết sức phức tạp, đại diện Việt Nam nhấn mạnh đối thoại và hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng phải trở thành sứ mệnh của ACD và trách nhiệm của từng thành viên ACD.

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối thoại hợp tác châu Á lần thứ ba diễn ra tại Doha (Qatar) từ ngày 2-3/10. (Nguồn: Hãng thông tấn Qatar QNA)
Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối thoại hợp tác châu Á lần thứ ba diễn ra tại Doha (Qatar) từ ngày 2-3/10. (Nguồn: Hãng thông tấn Qatar QNA)

Từ ngày 2-3/10, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối thoại hợp tác châu Á (ACD) lần thứ ba đã diễn ra tại thành phố Doha (Qatar).

Tham dự Hội nghị có các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các Chính phủ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao của 35 nước thành viên ACD. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị và làm việc tại Qatar.

Với chủ đề “Ngoại giao Thể thao,” Hội nghị thượng đỉnh ACD lần thứ ba nhấn mạnh vai trò quan trọng của thể thao trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của châu lục.

Hội nghị cũng tập trung thảo luận các thách thức an ninh toàn cầu, các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm, tăng cường vai trò của các nước đang phát triển; thúc đẩy hợp tác nội khối trong các lĩnh vực then chốt, nhất là giao thông vận tải, chuyển đổi số, kinh tế số, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung Doha, khẳng định cam kết của các nước thành viên tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác, triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ACD giai đoạn 2021-2030 và Tầm nhìn ACD 2030 với sáu trụ cột gồm: An ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, kết nối đa chiều, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, văn hóa và du lịch, phát triển bền vững và bao trùm.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định trong hơn 20 năm qua, ACD đã phát huy vai trò quan trọng đóng góp xây dựng cộng đồng châu Á đoàn kết và phát triển, thúc đẩy kỷ nguyên trỗi dậy của châu Á.

Thứ trưởng nhấn mạnh vào thời điểm tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, ACD cần tập trung vào năm trọng tâm hợp tác.

Thứ nhất, với vai trò là diễn đàn đối thoại và hợp tác toàn châu Á, ACD cần đề cao chủ nghĩa đa phương, cùng các cơ chế, diễn đàn khu vực, trong đó có ASEAN, đóng góp duy trì hòa bình, ổn định và vai trò đầu tàu của châu Á.

Đối thoại và hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng phải trở thành sứ mệnh của ACD và trách nhiệm của từng thành viên ACD.

Thứ hai, ACD cần ưu tiên cao hơn cho tăng cường hợp tác thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, hỗ trợ các nước trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, phát triển các công nghệ và các nguồn năng lượng mới.

Thứ ba, cần bảo đảm chuỗi cung ứng khu vực bền vững thông qua thúc đẩy ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do, hạn chế các rào cản thương mại, bảo đảm chuỗi cung ứng châu Á tự cường, nhất là chuỗi cung ứng về lương thực và năng lượng.

Thứ tư, chia sẻ về những mất mát to lớn đối với nhân dân Việt Nam và một số nước trong khu vực do cơn bão Yagi, cơn bão lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua gây ra, Thứ trưởng đề nghị hợp tác ACD cần chuyển đổi để thích ứng với những vấn đề của tương lai và đóng góp giải quyết hiệu quả các thách thức toàn cầu, chú trọng bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước; nâng cao năng lực phòng ngừa và thích ứng với biến đối khí hậu.

Thứ năm, đẩy mạnh kết nối, giao lưu giữa người dân các nước thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao và các ngày du lịch.

Văn hóa và thể thao cần trở thành trụ cột mới trong khuôn khổ hợp tác ACD, cụ thể hóa bằng những hoạt động giao lưu thể thao, đào tạo và phát triển thể thao thanh niên.

Các quốc gia cần lồng ghép văn hóa và thể thao vào chiến lược phát triển tổng thể quốc gia và dành nguồn lực phù hợp để phát triển hai lĩnh vực quan trọng này.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cũng chia sẻ về đường lối đối ngoại và các định hướng phát triển của Việt Nam; khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực và trách nhiệm vào hoạt động của các tổ chức, cơ chế hợp tác toàn cầu, liên khu vực và khu vực vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

thu tuong ngoai giao nguyen minh hang.jpg
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng tại Diễn đàn Ngoại giao Antalya hồi tháng Ba năm nay. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhân dịp tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đã có các cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Kyrgyzstan Edil Baisalov, Bộ trưởng Kinh tế Oman Said bin Mohammed bin Ahmed Al Saqri, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Đại sứ Ngoại giao công chúng Hàn Quốc Hong Seok In, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Qatar Sultan bin Saad bin Sultan Al Muraikhi; Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Qatar Mansoor Bin Ebrahim Al-Mahmoud và lãnh đạo một số tập đoàn lớn tại Qatar về bất động sản, nông nghiệp...

Lãnh đạo chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp các nước đánh giá cao tiềm năng phát triển và những nỗ lực mạnh mẽ trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo của Việt Nam, khẳng định mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, nhất là đầu tư, thương mại, nông nghiệp, năng lượng...

Tại cuộc làm việc với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và các đối tác Qatar, hai bên tập trung trao đổi các biện pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong thời gian tới, nhấn mạnh thúc đẩy các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước nhằm tạo đột phá và đưa quan hệ hai nước lên những tầm cao mới.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng trân trọng mời các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp Qatar dự Hội nghị Halal quốc tế đầu tiên Việt Nam tổ chức vào ngày 22/10 tới tại Hà Nội; đề nghị Quỹ đầu tư và các tập đoàn của Qatar tăng cường tìm hiểu, đầu tư tại Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham dự các hội nghị, triển lãm quốc tế quan trọng tại Qatar như Web Summit 2025, Triển lãm Nông nghiệp AgriteQ, ExpoDoha…

Tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Kyrgyzstan, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp nhằm không ngừng củng cố quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước ngày càng hiệu quả và thực chất, tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc và Hội nghị cấp cao về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA).

Trao đổi với Bộ trưởng Kinh tế Oman, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng khẳng định Việt Nam mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác song phương, nhất là trao đổi đoàn các cấp và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, văn hóa; đề nghị Oman hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal. Bộ trưởng kinh tế Oman khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam, cho rằng hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong triển khai chính sách đối ngoại, nhất trí mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam của Quỹ đầu tư Việt Nam-Oman.

Đại sứ Ngoại giao công chúng Hàn Quốc Hong Seok In đánh giá cao những thành tựu quan trọng trong Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng bày tỏ mong muốn Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác về Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) trong năm 2025; đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác về thương mại, lao động, đầu tư vào những ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, Hàn Quốc cấp thêm học bổng cho sinh viên Việt Nam học tập tại Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục