Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 6/12 đã tổ chức cuộc thảo luận mở với chủ đề “Hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực: Vai trò của các quốc gia, các tổ chức khu vực và Liên hợp quốc trong phòng ngừa và giải quyết xung đột” dưới sự chủ trì của Côte d'Voire, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 12/2018.
Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng thế giới đang đối diện với những thách thức rất phức tạp, đa chiều, liên quan đến nhau và không thể dự báo. Số các quốc gia vướng vào xung đột bạo lực hiện nhiều nhất trong 30 năm qua. Số lượng các cuộc xung đột cường độ thấp tăng 60% trong 10 năm gần đây. Chính vì vậy, cộng đồng quốc tế cần có trách nhiệm hành động tập thể chứ không thể đơn lẻ.
Tổng Thư ký khẳng định ưu tiên của ông từ khi nhậm chức là ngăn chặn mọi xung đột, thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh và các mối đe dọa có thể thấy trước do công nghệ mới gây ra, do vậy ông đã kêu gọi tất cả các cơ quan trong hệ thống Liên hợp quốc tập trung cho ưu tiên này.
[LHQ kêu gọi hướng tiếp cận toàn diện cho mục tiêu kiến tạo hòa bình]
Theo ông Antonio Guterres, cần nỗ lực, đầu tư hơn nữa cho việc ngăn ngừa xung đột và khủng hoảng để không phải tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Việc 151 quốc gia thông qua sáng kiến Hành động vì gìn giữ hòa bình (A4P) thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vai trò trung tâm của các lực lượng gìn giữ hòa bình trong ngăn ngừa xung đột và xây dựng hòa bình. Bên cạnh trụ cột hòa bình và an ninh, Liên hợp quốc cũng đang tập trung giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực, xung đột bằng cách thực hiện thành công Chương trình nghị sự Phát triển bền vững 2030.
Đại diện hơn 60 quốc gia và tổ chức quốc tế đã phát biểu chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm về hợp tác giữa Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực và các quốc gia, khẳng định vai trò hết sức quan trọng của mối quan hệ này, đồng thời kêu gọi tăng cường hơn nữa để có thể giải quyết các thách thức toàn cầu ngày càng phức tạp.
Những lợi thế của các quốc gia và tổ chức khu vực về hiểu biết tình hình thực tế, đặc điểm lịch sử, văn hóa và nguyên nhân sâu xa dẫn đến bất ổn, xung đột... đã được nhiều ý kiến phát biểu nhấn mạnh, xem là một yếu tố rất quan trọng cho sự thành công của các nỗ lực của Liên hợp quốc tham gia giải quyết các xung đột.
Nhiều nước đánh giá cao những thành công của Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cũng như sự hợp tác của hai tổ chức này với Liên hợp quốc trong ngăn chặn, giải quyết khủng hoảng và hỗ trợ phục hồi sau xung đột tại nhiều nước châu Phi như Côte d'Voire, Togo, Mali, Gambia, CHDC Congo, Gunie Bissau... Một số ý kiến bày tỏ ủng hộ dự thảo nghị quyết đang được Hội đồng Bảo an thương lượng về việc sử dụng nguồn ngân sách đóng góp để tài trợ cho hoạt động gìn giữ hòa bình của AU.
Phát biểu tại cuộc thảo luận, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định vai trò quan trọng của mối quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực và các quốc gia trong đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới; cho rằng cần nhấn mạnh trách nhiệm chính của các quốc gia liên quan trong phòng ngừa và giải quyết xung đột; mọi quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực đóng vai trò thiết yếu trong việc đề cao và thúc đẩy các giá trị chung, các chuẩn mực ứng xử và nguyên tắc của luật pháp quốc tế giúp duy trì quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia.
Theo Đại sứ, hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực cần được thúc đẩy trên tất cả các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội nhằm phối hợp giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu đang nổi lên. Liên hợp quốc cần tăng cường trợ giúp các quốc gia và tổ chức khu vực với khả năng và kinh nghiệm của mình trong xây dựng và gìn giữ hòa bình. Bên cạnh đó, các tổ chức khu vực với lợi thế hiểu biết sâu về các vấn đề xã hội, sắc tộc, lịch sử, chính trị ở khu vực sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc.
Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết từ khi thành lập đến nay, ASEAN không ngừng nỗ lực biến Đông Nam Á từ một khu vực bất ổn định và thiếu lòng tin thành một khu vực hợp tác và tin tưởng lẫn nhau. Đối thoại và tham vấn đã trở thành “biện pháp ASEAN” để thu hẹp khác biệt, thúc đẩy sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau cùng xây dựng đồng thuận.
Sự hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ASEAN và Việt Nam rất vui mừng trước những kết quả thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN-Liên hợp quốc giai đoạn 2016-2020.
Đại sứ khẳng định là một quốc gia thành viên ASEAN, Việt Nam mong muốn chia sẻ kinh nghiệm có được từ các hoạt động của ASEAN cũng như trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-Liên hợp quốc; cam kết hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác nỗ lực vì mục tiêu chung là hòa bình, an ninh và phát triển trên toàn thế giới./.