Việt Nam đề cao bảo vệ người dân, giải quyết thách thức tại Mali

Việt Nam đề cao vấn đề bảo vệ dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và kêu gọi cách tiếp cận toàn diện, tổng thể trong giải quyết các thách thức về an ninh, nhân đạo và phát triển xã hội tại Mali.
Xe chở binh sỹ thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Mali tuần tra ở thành phố Gao. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 13/1 đã họp trực tuyến thảo luận về tình hình Mali và những bất ổn sau bầu cử tại Cộng hòa Trung Phi.

Ông Mahamat Saleh Annadif, Đại diện Đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Mali (SRSG), và Phó Tổng Thư ký phụ trách hoạt động hòa bình Jean-Pierre Lacroix đã báo cáo cập nhật tình hình tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, Việt Nam đề cao vấn đề bảo vệ dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, và kêu gọi cách tiếp cận toàn diện, tổng thể trong giải quyết các thách thức về an ninh, nhân đạo và phát triển xã hội tại Mali.

[Gần 20 người thiệt mạng trong vụ tấn công vào một đám cưới tại Mali]

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ông Annadif đã thông tin về một số tiến triển trong thực hiện quá trình chuyển tiếp chính trị tại Mali như việc thành lập Chính phủ chuyển tiếp, Hội đồng chuyển tiếp (Quốc hội) và việc ban hành Hiến chương chuyển tiếp.

Các bên tham gia ký kết đã cam kết thực hiện Hiệp định hòa bình 2015 và lần đầu tiên có 9 đại biểu nữ được bầu vào Ủy ban giám sát Hiệp định hòa bình.

Đại diện của Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng cho biết tình hình an ninh tại Mali đang xấu đi do hoạt động khủng bố gia tăng, kèm theo các xung đột giữa các cộng đồng, đặc biệt là tại miền Trung.

Người dân, lực lượng an ninh Mali và lực lượng gìn giữ hòa bình tiếp tục là mục tiêu tấn công bạo lực, khủng bố. Kinh tế suy giảm, tình hình nhân đạo, mất an ninh lương thực rất đáng lo ngại.

Trong bối cảnh đó, Phái bộ Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) vẫn đang thực hiện tốt các nhiệm vụ hỗ trợ Mali như thúc đẩy hoà hợp dân tộc, ngăn ngừa xung đột cũng như đối thoại giữa các cộng đồng dân cư và hỗ trợ Lực lượng G5 Sahel chống khủng bố.

Các thành viên Hội đồng Bảo an chia sẻ với các nhận định của báo cáo viên, hoan nghênh các nỗ lực thực hiện lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Mali và lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và lực lượng gìn giữ hòa bình.

Các nước đánh giá cao vai trò của Liên minh Châu Phi (AU) và Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) trong hỗ trợ Mali thực hiện quá trình chuyển tiếp, duy trì hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển cho Mali.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Liên hợp quốc Phạm Hải Anh hoan nghênh những nỗ lực và tiến triển đạt được của các bên trong việc thực hiện lộ trình chuyển tiếp và kêu gọi các bên tiếp tục thực hiện lộ trình này theo đề xuất của Đại diện Đặc biệt Annadif.

Đại diện Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại trước việc tình hình an ninh và nhân đạo tại Mali ngày càng xấu đi, lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và kêu gọi các bên thực hiện nghiêm Luật nhân đạo quốc tế, không cản trở các hoạt động nhân đạo.

Việt Nam cũng đánh giá cao nỗ lực của MINUSMA, ECOWAS và AU trong hỗ trợ tiến trình hòa bình tại Mali và Lực lượng G5 Sahel chống khủng bố.

Trong trao đổi về tình hình Trung Phi sau bầu cử Tổng thống ngày 27/12/2020, các thành viên Hội đồng Bảo an ghi nhận kết quả ban đầu được Cơ quan bầu cử của Cộng hòa Trung Phi công bố ngày 4/1/2021, kêu gọi các bên giải quyết khác biệt một cách hòa bình và phù hợp với Hiến pháp Cộng hòa Trung Phi.

Các nước lên án các hành vi vi phạm Thoả thuận hòa bình và bạo lực do một số nhóm vũ trang gây ra nhằm phá hoại tiến trình bầu cử, trong đó các vụ tấn công gần thủ đô Bangui cùng ngày làm thiệt mạng một binh sỹ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Tình hình an ninh tại Cộng hòa Trung Phi có tiến triển nhất định, đặc biệt kể từ sau khi Thỏa thuận hòa bình được ký kết giữa Chính phủ và 14 nhóm vũ trang vào tháng 2/2019.

Tuy nhiên, tiến trình bầu cử năm 2020-2021 đang diễn biến rất phức tạp do sự chống đối của một số nhóm vũ trang đối lập.

Theo kết quả ban đầu, Tổng thống đương nhiệm Touadera đang giành thắng lợi với gần 54% phiếu bầu.

Tòa án Hiến pháp đang xem xét kháng nghị của các nhóm đối lập và sẽ công bố kết quả cuối cùng trước ngày 19/1/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục