Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực an sinh xã hội, giảm nghèo

Việt Nam đang xây dựng hệ thống chính sách xã hội hướng đến toàn dân, bao trùm, toàn diện; tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực an sinh xã hội, giảm nghèo ảnh 1Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW do Hội nghị Trung ương 5 khoá XI ban hành về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thực hiện các chính sách người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội.

Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra, tạo tiền đề vững chắc để chuẩn bị ban hành một nghị quyết mới về chính sách xã hội cho giai đoạn tiếp theo.

Nhiều điểm sáng về an sinh xã hội

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về chính sách xã hội có chuyển biến rõ rệt. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. 

Hầu hết các chỉ tiêu của Nghị quyết đều đạt, thậm chí vượt mục tiêu với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội. Trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn gồm: Nhà ở cho người có công; trợ giúp xã hội; trợ giúp xã hội cho người cao tuổi; tỷ lệ đi học đúng tuổi; bảo hiểm y tế; tiêm chủng mở rộng.

16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020 gồm: Mức sống gia đình người có công; mức trợ cấp người có công; thất nghiệp chung; thất nghiệp thành thị; giảm nghèo chung; giảm nghèo tại các huyện, xã có tỷ lệ nghèo cao; thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo; trợ giúp xã hội đột xuất; trẻ em đi học trung học cơ sở đúng tuổi; người biết chữ từ 15 tuổi; lao động qua đào tạo; tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi; phòng chống lao; phủ sóng phát thanh truyền hình; đài truyền thanh xã ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đặc biệt, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2020 có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc, từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2020.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: "Các thành tựu nổi bật đã đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước."

Bà Gulmira Asanbaeva, quyền đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cho rằng việc ban hành và triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW đã đánh dấu một bước đột phá lớn, tạo tiền đề cho Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất về an sinh xã hội.

[Việt Nam - Câu chuyện thành công xây dựng xã hội vì con người]

Chúc mừng những thành công của Việt Nam, nhưng bà Gulmira Asanbaeva cũng lưu ý phía trước còn những thách thức quan trọng đòi hỏi cần phải quan tâm thường xuyên và sự nỗ lực hơn nữa để tiếp tục hướng tới mang lại an sinh xã hội cho tất cả mọi người.

Hướng đến bao trùm toàn dân và toàn diện

Trong thời gian sắp tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết hệ thống chính sách xã hội năm 2030 hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau... Với tinh thần con người là trung tâm của quá trình phát triển, chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế.

Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực an sinh xã hội, giảm nghèo ảnh 2Hệ thống chính sách xã hội năm 2030  của Việt Nam hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Việt Nam đã có kế hoạch sẽ ban hành một nghị quyết mới về chính sách xã hội cho giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhâp trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Dự thảo nghị quyết mới sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII để thông qua vào Hội nghị Trung ương 7, khóa XIII (dự kiến tổ chức vào nửa đầu năm 2023).

Bà Gulmira Asanbaeva đã khẳng định cam kết mạnh mẽ của Tổ chức Lao động quốc tế trong việc chung tay với Chính phủ Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các đối tác để thực hiện hóa tầm nhìn chung về Việt Nam là một quốc gia về an sinh xã hội toàn dân vào năm 2030./.

Ngày 01/6/2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, tập trung vào 2 nhóm chính sách cơ bản, quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội.

Mục tiêu Nghị quyết đặt ra là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục