"Việt Nam đạt được tiến bộ phát triển con người rất nhanh”

Theo Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Việt Nam đã đạt được tiến bộ phát triển con người rất nhanh.
"Việt Nam đạt được tiến bộ phát triển con người rất nhanh” ảnh 1Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

“Việt Nam là một trong những nước rất năng động và đạt được tiến bộ phát triển con người rất nhanh.”

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam đã đưa ra nhận định trên khi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố Báo cáo Phát triển con người hồi tháng Bảy vừa qua và khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Nhận định của bà Pratibha Mehta hoàn toàn dựa trên những thành tựu thực tế mà Việt Nam đã đạt được trong nhiều năm qua trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Báo cáo của UNDP xếp Việt Nam nằm trong số hơn 40 quốc gia đang phát triển đạt được những tiến bộ vượt xa mong đợi về phát triển con người trong giai đoạn 1990-2012 với chỉ số phát triển con người (HDI) tăng 41%.

Thực tế những gì diễn ra ở Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua cho thấy những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam được xác định từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới, đặc biệt trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đã mang lại những kết quả tích cực được cả cộng đồng quốc tế ghi nhận mà minh chứng rõ ràng nhất là việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất trong số các ứng cử viên.

Thành tựu nổi bật nhất phải kể đến là nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật mà đỉnh cao là việc thông qua Hiến pháp mới, trong đó đáng chú ý là các quy định liên quan đến quyền con người và quyền cơ bản của công dân.

Hiến pháp mới đã quy định đầy đủ, đúng đắn hơn về quyền con người, quyền công dân, đồng thời cũng đưa ra các quy định nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền này...

Rõ ràng, so với Hiến pháp 1992, Hiến pháp mới đã làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người và quyền công dân.

Hiến pháp cũng bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình gần 30 năm đổi mới ở Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên như Tuyên ngôn về quyền con người của Liên hợp quốc, Công ước về các quyền dân sự chính trị, Công ước về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội...

Trong khi những nguyên tắc cơ bản đảm bảo quyền con người ngày càng được thể chế hoá, nguyên tắc bình đẳng giới được xem là nguyên tắc xuyên suốt. Vai trò của phụ nữ trong các hoạt động chính trị-xã hội ngày càng được đề cao.

Tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội từ khoá VIII đến khóa XI tăng liên tiếp từ 17% lên hơn 27%. Trên lĩnh vực đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc, số đại biểu Quốc hội thuộc các dân tộc thiểu số ngày càng cao. Nhà nước đã dành cho các dân tộc thiểu số nhiều ưu tiên như chính sách cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Số trường dân tộc nội trú trên cả nước không ngừng gia tăng với nhiều con em đồng bào được nuôi dưỡng và học tập không mất tiền.

Với truyền thống tương thân tương ái cùng chủ trương đúng đắn và chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, công tác an sinh xã hội đã và đang được thực hiện có hiệu quả với nhiều thành tựu quan trọng trong giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn, tạo việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Các loại hình bảo hiểm cho người dân ngày càng được mở rộng với nhiều sản phẩm đa dạng. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp ngày càng tăng và được hưởng các chế độ, quyền lợi kịp thời, đầy đủ, đúng quy định. Tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ và trẻ sơ sinh đều thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia có cùng điều kiện kinh tế.

Trong bảng xếp hạng đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012 vừa được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố, học sinh Việt Nam được xếp hạng cao, đứng thứ 8 về khoa học, thứ 17 về toán và thứ 19 về đọc hiểu.

Liên hợp quốc đã đánh giá cao sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong các hoạt động chung của Liên hợp quốc, đặc biệt Việt Nam là quốc gia điển hình trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Những thực tế trên đã góp phần phản bác mạnh mẽ những luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các tổ chức, thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá Việt Nam trong vấn đề nhân quyền, đồng thời đấu tranh với những thế lực muốn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam. Với những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, các thế lực thù địch cần có cái nhìn khách quan, đúng đắn, phù hợp với thời cuộc về vấn đề quyền con người ở Việt Nam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục