Việt Nam đánh giá những tiến bộ của Brunei ở Phiên rà soát chính sách thương mại

Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Đại sứ Mai Phan Dũng đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế dương của Brunei với GDP thực tế tăng 1,4% và lạm phát ổn định ở mức 0,4% vào năm 2023.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Đại sứ Mai Phan Dũng (bên phải) phát biểu tại Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 4 của Brunei. (Ảnh: TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã tổ chức phiên rà soát chính sách thương mại (TPR) lần thứ 4 của Brunei.

Tại phiên họp, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Đại sứ Mai Phan Dũng đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế dương của Brunei với GDP thực tế tăng 1,4% và lạm phát ổn định ở mức 0,4% vào năm 2023.

Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực đa dạng hóa của Brunei trong việc cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phát triển khu vực tư nhân và thúc đẩy sản xuất nhiều hàng hóa có giá trị gia tăng hơn, cũng như các sản phẩm phi dầu mỏ.

Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Brunei trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường, đặc biệt là cải thiện cơ chế một cửa quốc gia, giảm chi phí thương mại quốc tế. Ngoài ra, Brunei được xác định là có chế độ thương mại tương đối tự do.

Năm 2024, hơn 90% dòng thuế được miễn thuế và mức thuế tối huệ quốc (MFN) trung bình đơn giản được áp dụng là 0,4%- một trong những mức thấp nhất trong số các thành viên WTO.

Mức thuế MFN bình quân đơn giản áp dụng cho hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp lần lượt gần như bằng 0 và 0,5%. Brunei duy trì được thặng dư thương mại hàng hóa, tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2016 lên 3,7 tỷ USD năm 2023. Việt Nam ghi nhận Brunei là một trong nền kinh tế giàu có nhất Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, các thành viên của WTO cũng ghi nhận nỗ lực của Brunei trong việc vượt qua các cú sốc bên ngoài, bao gồm biến động giá dầu và đại dịch COVID-19.

Brunei đã nỗ lực cải cách nhằm củng cố và đa dạng hóa nền kinh tế, bao gồm tăng cường các lĩnh vực khác như sản xuất thực phẩm, công nghệ thông tin và dịch vụ, du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số (thông qua Quy hoạch tổng thể về kinh tế số 2025 và Hiệp định khung về kinh tế số ASEAN) và thúc đẩy phát triển bền vững....

Một số thành viên lưu ý rằng việc duy trì chính sách thương mại và đầu tư cởi mở và môi trường thân thiện với doanh nghiệp là điều cần thiết để đa dạng hóa kinh tế bền vững.

Bên cạnh đó, Brunei cũng nỗ lực phát triển theo Chiến lược Tầm nhìn quốc gia (Wawasan) 2035; thực thi chính sách khí hậu nhằm phát triển nền kinh tế xanh bằng cách giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Một số thành viên đã hỗ trợ Brunei duy trì động lực thực hiện các cam kết về khí hậu, bao gồm việc thực hiện cơ chế định giá carbon. Brunei thực hiện các sáng kiến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ và vừa (MSME), đào tạo lại lực lượng lao động và thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua xây dựng năng lực như đào tạo, nâng cao kỹ năng, bao gồm cả các MSME do nữ làm chủ.

Ngoài ra, Brunei tham gia tích cực và ủng hộ nhất quán hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ của với tư cách là thành viên sáng lập của WTO, thông qua việc phê chuẩn Hiệp định Trợ cấp thủy sản, thực hiện tất cả các cam kết theo Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA), tham gia các Sáng kiến Tuyên bố chung (JSI) về thương mại điện tử và MSME, thảo luận về cải cách nông nghiệp.

Một số thành viên khuyến khích Brunei xem xét tham gia Hiệp định Mua sắm chính phủ (GPA) và Hiệp định Công nghệ thông tin (ITA) cũng như các sáng kiến khác như Hiệp định Tạo thuận lợi đầu tư cho phát triển (IFD), Quy định trong nước về dịch vụ, cải cách trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, Nhóm Công tác không chính thức về thương mại và giới, và Thỏa thuận Trọng tài tạm thời đa bên (MPIA).

Các thành viên khuyến khích Brunei hoàn thiện nghĩa vụ thông báo, bao gồm các lĩnh vực hạn chế số lượng, cấp phép nhập khẩu, doanh nghiệp thương mại nhà nước và nông nghiệp.

Hiện Brunei duy trì chế độ đầu tư và thương mại tương đối mở; tạo thuận lợi thương mại thông qua công nhận doanh nghiệp ưu tiên, số hóa. Tuy nhiên, còn khoảng cách lớn giữa thuế suất ràng buộc trung bình và thuế suất MFN áp dụng trung bình.

Một số thành viên quan ngại về các hạn chế xuất nhập khẩu đối với một số sản phẩm và khuyến khích Brunei tăng cường tính minh bạch và tham vấn các bên liên quan trong xây dựng chính sách thương mại.

Brunei cũng thực hiện những cải cách trong các lĩnh vực liên quan đến thương mại khác, như tiêu chuẩn, chính sách cạnh tranh và sở hữu trí tuệ; phát triển ngành dịch vụ, hiện đại hóa các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (SPS), tuy nhiên cần minh bạch hơn về thủ tục phê duyệt các sản phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật, khung thời gian và đánh giá rủi ro.

Trong khi doanh nghiệp nhà nước vẫn là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, Brunei đã đạt được tiến bộ trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục